00:28 21/02/2007

Nhiều chợ Hà Nội sẽ ''biến'' thành các trung tâm thương mại

2007 sẽ là năm ''chuyển mình'' mạnh mẽ của các chợ Hà Nội trong quá trình ''biến'' thành các trung tâm thương mại

Chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
2007 sẽ là năm ''chuyển mình'' mạnh mẽ của các chợ Hà Nội trong quá trình ''biến'' thành các trung tâm thương mại.

Nhanh và mạnh!

UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thảo quyết định ban hành một số cơ chế khuyến khích, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhiều trung tâm thương mại trên cơ sở các chợ cũ của Thủ đô theo chủ trương ''xã hội hoá''.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cũng vừa khẳng định: ''Hơn 10 trung tâm thương mại tại Hà Nội sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2007, trên cơ sở cải tạo từ các chợ cũ!''

Trước đó, từ quý IV/2006, Thủ đô Hà Nội đã ''rậm rịch'' chuẩn bị cho cuộc ''chuyển mình'' của hàng loạt chợ cũ này bằng nhiều cuộc họp bàn liên tiếp giữa Ban chỉ đạo Chương trình phát triển chợ thành phố với lãnh đạo nhiều sở, ngành để thống nhất một chủ trương chung.

Tất cả đã nhất trí việc đầu tư xây dựng (cả xây mới lẫn cải tạo chỉnh trang) và chuyển đổi mô hình quản lý các chợ - trung tâm thương mại theo phương thức ''xã hội hoá mạnh''. Các chợ - đặc biệt ở khu vực nội thành sẽ được đầu tư xây dựng và cải tạo với tiến độ nhanh nhất, tạo diện mạo mới trong kinh doanh - thương mại Thủ đô.

Với các chợ - trung tâm thương mại đã xây dựng, thành phố chủ trương ''xã hội hoá'' chuyển đổi mô hình quản lý. Với các chợ - trung tâm thương mại chưa xây dựng thì kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng và sau đó quản lý, kinh doanh. Các quận, huyện được phân cấp chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, chợ loại 2, 3 trên địa bàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo khách quan.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu, đối với các dự án đầu tư xây dựng chợ - trung tâm thương mại này, các chỉ tiêu về quy hoạch - kiến trúc như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, công năng... sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế khi khai thác kinh doanh. Vì vậy, để việc ''xã hội hoá'' được hấp dẫn hơn, thành phố sớm sẽ ban hành quy định khung cụ thể với từng chợ và trung tâm thương mại (đặc biệt tại các quận nội thành cũ) trên cơ sở nghiên cứu, tham mưu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, nhằm hài hoà lợi ích xã hội và doanh nghiệp.

Nhà đầu tư phải đưa ra ít nhất 2 phương án thiết kế!

Theo UBND thành phố Hà Nội, khi chuyển đổi mô hình quản lý các chợ - không nhất thiết các doanh nghiệp nhà nước phải nắm cổ phần chi phối. Doanh nghiệp tiếp nhận quản lý, kinh doanh các chợ - trung tâm thương mại này sẽ phải hoàn trả vốn nhà nước đã đầu tư, đồng thời chủ động giải quyết với các hộ kinh doanh và ban quản lý chợ.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp - họ cho rằng vấn đề ''giải quyết với các hộ kinh doanh trong chợ nội thành cũ'' là nguyên nhân gây ''oải'' nhất!

Với các chợ - trung tâm thương mại tại các huyện ngoại thành, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét cụ thể cơ chế hỗ trợ (giao đất sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật...) và giao thầu cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Thông báo số 25/TB-UBND ngày 25/1/2007 của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: ''Nhà đầu tư phải đưa ra ít nhất 2 phương án thiết kế kiến trúc và bảo vê các phương án này trước Hội đồng để Hội đồng lựa chọn''.

Được biết, cuối năm 2006 vừa qua, UBND TP đã triển khai đấu thầu dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ Gia Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội) với diện tích chiếm đất gần 50.000m2, cao độ khống chế là 15m tính từ cốt đường băng hiện tại của sân bay Gia Lâm.

Hai phương án giá sàn phục vụ đấu thầu đã được đưa ra: trường hợp giao đất 50 năm là 3.761.480 đồng/m2; trường hợp cho thuê đất 50 năm theo hình thức đấu thầu dự án (trả tiền thuê đất hàng năm) thì mức giá sàn 1m2/năm là 1% nhân với đơn giá đất ban hành hàng năm của UBND thành phố.

Đầu năm 2007, thành phố vừa phê duyệt cơ chế đầu tư dự án xây dựng chợ Hàng Da mới (đạt loại 1) với cao độ khoảng 3-4 tầng và có ít nhất 1 tầng hầm. Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ nhận ưu đãi là sử dụng đất công trình 50 năm và nhiều ưu đãi khác theo quy định. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ phải thanh toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời nộp tiền thuê đất theo quy định.

Ngoài ra, Công ty TNHH Ôtô Việt Hùng cũng vừa đề nghị được thuê và giao đất để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và đã bước đầu được UBND thành phố chấp thuận.

Một số chợ khác đang ''chờ'' nhà đầu tư ''nhòm ngó'' tới như: Thành Công B, Châu Long, Ngọc Hà (quận Ba Đình); Trương Định (quận Hoàng Mai); Trung Hòa (quận Cầu Giấy)... và vài chợ đã có quyết định đầu tư nhưng chưa thực hiện xây dựng: chợ Hôm - Đức Viên, chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở... đang được điều chỉnh để phù hợp chủ trương ''xã hội hóa''.