Nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động
Bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng dẫn đến phải cắt giảm lao động thì thời điểm này một số ngành nghề vẫn có nhu cầu khá lớn, thậm chí tại khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh tuyển dụng cho những tháng cuối năm…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mặc dù thị trường lao động vẫn tiềm ẩn nhiểu rủi ro khi sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, khiến cho số lao động bị mất việc làm gia tăng, giảm giờ làm, nhưng cạnh đó, một số ngành nghề vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.
NHIỀU NGÀNH NGHỀ CÓ NHU CẦU TUYỂN DỤNG CAO
Việc cắt, giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay mang tính chất cục bộ, không phải trên diện rộng mà chỉ tập trung ở một số ít ngành và tại những địa phương tập trung nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp. Thậm chí, ngay tại những địa phương bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm thì nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn tích cực ở một số nhóm ngành nghề.
Theo báo cáo nhanh của 52 tỉnh, thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng là gần 500 nghìn lao động (cao hơn nhiều so với số lao động bị mất việc, thôi việc).
Bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành chỉ số sản xuất công nghiệp tăng (đường kính tăng 31,1%; xăng, dầu tăng 13,5%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%;..); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,3%). Nhờ tốc độ tăng ở một số ngành này đã giúp giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống của người lao động trong thời gian qua.
Ngoài ra, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động), cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Ghi nhận từ những phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các địa phương phía Bắc gần đây tại sàn việc làm Hà Nội cho thấy, trung bình thường có 10 tỉnh, thành phố tham gia với hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn vị trí việc làm tại mỗi phiên.
Đơn cử tại phiên việc làm online kết nối 14, tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Cao Bằng và Điện Biên tổ chức ngày 14/8 cũng có đến 188 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 42.528 chỉ tiêu.
Quan sát qua các phiên thì thấy hiện nay những vị trí ngành nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều là công nhân sản xuất điện tử với số lượng thường trên 20.000 người, riêng phiên ngày 14/8 cần đến hơn 28.500 chỉ tiêu, ngoài ra là nhóm công nhân may mặc, công nhân sản xuất, công nhân xây dựng, kinh doanh – marketing, cơ khí – hàn…
CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỀU TÍCH CỰC THU HÚT LAO ĐỘNG
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, nhóm lao động phổ thông dường như có nhu cầu tuyển dụng vượt trội so với các khung trình độ khác.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục tăng tuyển dụng lao động, riêng tại Hà Nội, dự báo cần 120.000 - 140.000 lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng.
Theo ông Thành, mặc dù chịu ảnh hưởng do bối cảnh chung của tình hình thế giới khiến doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng nhưng thành phố chưa ghi nhận tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động ồ ạt.
Trong sáu tháng đầu năm, hơn 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cùng với hơn 5.700 doanh nghiệp trở lại hoạt động khiến nhu cầu tuyển lao động tăng lên.
Tại Bắc Giang, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, bên cạnh số lao động bị cắt giảm, thì trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã tuyển dụng trên 25.000 lao động, trong đó số việc làm mới tăng thêm 17.056 lao động, đạt hơn 52,4% kế hoạch năm.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 60.000 lao động. Trong các phiên giao dịch việc làm gần đây, Bắc Giang cũng luôn là địa phương có số lượng cần tuyển dụng lớn nhất với khoảng 17.000 chỉ tiêu cho mỗi phiên.
Tại Quảng Ninh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đánh giá, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản ổn định.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh cần 8.500 lao động (tương ứng cả năm khoảng 17.000 người).
Đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 70 đơn vị (trong đó có 41 doanh nghiệp FDI); số lao động hiện tại khoảng 34.400 lao động, số lao động ngoại tỉnh là hơn 6.900 người, số lao động người nước ngoài là hơn 1.200 người.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trên, tỉnh đang triển khai và làm tốt các giải pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động như: Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phía Bắc; đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại.
Cùng với đó, xây dựng kênh thu thập thông tin về tình hình lao động - việc làm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình quan hệ lao động trên địa bàn; thu hút lao động tại chỗ, giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung - cầu lao động.
Tỉnh cũng triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh.
Cùng với các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Quảng Ninh là nguồn nhân lực mỗi năm khoảng 15.000 - 18.000 người tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đào tạo nghề các cấp, đại học trở lên và lực lượng quân nhân xuất ngũ tham gia vào thị trường lao động. Với việc thu hút lao động tỉnh ngoài vào học tập và làm việc trên địa bàn, thì khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các khu công nghiệp để phục vụ các dự án trong thời gian sắp tới là hoàn toàn khả thi.