07:08 04/09/2015

Nhiều “ông lớn” bắt đầu đối mặt rủi ro tỷ giá

Kim Ngân

Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn bắt đầu đối mặt với chi phí phát sinh lớn từ chênh lệch tỷ giá

Định hướng dự kiến điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% đưa ra từ đầu 
năm đã bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro tỷ giá, 
khi mức tăng từ đầu năm đến nay đã lên khoảng 5%.
Định hướng dự kiến điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% đưa ra từ đầu năm đã bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro tỷ giá, khi mức tăng từ đầu năm đến nay đã lên khoảng 5%.
Ngày 3/9, Bộ Công Thương họp giao ban trực tuyến tháng 8/2015. Lỗ lớn vì chênh lệch tỷ giá là thông tin bước đầu phản ánh từ cuộc họp này.

Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết, trong tháng 8 vừa qua, ngành than nói chung và TKV nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Một khó khăn nổi bật là từ biến động tỷ giá. Ông Tuấn cho biết, do chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho tập đoàn khoảng 1.200 tỷ đồng. TKV đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.

Liên quan đến khó khăn này, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cũng cho biết, chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tài chính của tập đoàn.

Từ trường hợp của TKV và Petro Vietnam, cụ thể là từ kiến nghị cho tính khoản chênh lệch tỷ giá vào giá điện, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đưa ra đánh giá đáng chú ý.

Cổng thông tin Bộ Công Thương dẫn lại đánh giá của ông Ngô Sơn Hải tại cuộc họp giao ban trên rằng: chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng đến lĩnh vực điện rất lớn, riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và Petro Vietnam đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê.

Đại diện EVN cho biết thêm, tập đoàn đang thống kê số liệu để báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết, vì nếu tất cả các đơn vị điện của TKV, Petro Vietnam cùng đưa hết vào giá điện thì sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của EVN.

Chủ trì buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.

Không nêu cụ thể tại cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương, song ngoài những “ông lớn” phản ánh trên, một số tập đoàn, tổng công ty lớn khác dự kiến cũng đang đối mặt với rủi ro tỷ giá và chi phí tài chính sẽ tăng lên.

Như với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), chỉ riêng các khoản vay ngoại tệ, tính đến cuối tháng 6/2015 là 13.520 tỷ đồng quy đổi, dự kiến chi phí có thể chịu tác động tiêu cực từ biến động mạnh của tỷ giá vừa qua.

Hay với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), với đặc thù cơ cấu dòng tiền thu - chi thừa VND và thiếu USD, tác động từ biến động tỷ giá có thể sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí hoạt động trong năm nay.

Số liệu công bố trước đây cho thấy, xét trên cả doanh thu và chi phí chênh lệch tỷ giá, trong các năm 2008, 2009 và 2010 (những năm tỷ giá USD/VND nhiều biến động), chênh lệch tỷ giá đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines với giá trị tương ứng 750 tỷ đồng, 486 tỷ đồng và 551 tỷ đồng.

Còn từ những năm 2011 - 2014, theo Vietnam Ailines giải thích trước thềm sự kiện IPO cuối năm 2014, chính sách ổn định tỷ giá từ năm 2011 đã làm giảm rất nhiều chi phí chênh lệch tỷ giá cho hãng hàng không này.

Tháng 8/2015, trước sự kiện Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ và bối cảnh biến động chung của thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hai lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND, tăng trực tiếp 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%.

Theo đó, định hướng dự kiến điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% đưa ra từ đầu năm đã bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro tỷ giá, khi mức tăng từ đầu năm đến nay đã lên khoảng 5%.

Trước khi có ước tính bước đầu về tác động đối với chi phí tại các tập đoàn, tổng công ty lớn nói trên, một số mặt hàng riêng lẻ, chủ yếu là hàng nhập khẩu như điện thoại, ôtô… cũng đã rục rịch tính tăng giá bán để cân đối chi phí vì biến động tỷ giá diễn ra trong tháng 8 vừa qua.