Nhiều yếu tố ủng hộ giá Ure giảm trong thời gian tới
Giá cổ phiếu nhóm phân bón hóa chất được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực liên quan đến giá Ure gần đây. Tuy nhiên theo phân tích mới nhất của SSI Research, có nhiều yếu tố tác động làm giảm giá mặt hàng này trong thời gian tới.
Cổ phiếu nhóm phân bón tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán phiên sáng nay 5/9. Dù độ cao đã hạ rất nhiều song DCM vẫn giữ nhịp tăng 2,27%, DPM tăng 1,65%, các cổ phiếu khác cũng xanh mướt trong phiên thị trường đỏ lửa sau Lễ Quốc khánh 2/9.
Giá cổ phiếu nhóm phân bón hóa chất được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực liên quan đến giá Ure trong thời gian gần đây. Giá urê Trung Quốc và Ai Cập đã giảm -45% và -35% từ đỉnh song gần đây đã tăng lần lượt 4% và 10% từ đáy, sớm hơn với dự báo trước đó của SSI Research vào thời điểm quý 4/2022.
Bên cạnh đó, những thông tin xung quanh "Gã khổng lồ" phân bón Ba Lan dừng sản xuất vì giá khí đốt cao kỷ lục đã kỳ vọng cho giá Ure nội địa tăng cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo phân tích mới nhất của SSI Research, có nhiều yếu tố hỗ trợ giảm giá Ure trong thời gian tới.
Thứ nhất, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu urê vào quý 3/2021, do đó đã đẩy giá urê tăng lên đáng kể. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với urê ban đầu dự kiến được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vận rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022. Ước tính Nga chiếm gần 15% tổng xuất khẩu ure toàn cầu trong 2019. Do đó, sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, điều này hỗ trợ giảm giá urê.
Thứ hai, nhu cầu urê suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý 3 thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Mùa cao điểm quý 4 sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ urê. Tuy nhiên, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân urê có thể sẽ không phục hồi nhiều trong Qúy 4/2022.
Thứ ba, giá nguyên liệu đầu vào (dầu, khí, than) có thể hồi ngắn hạn vào quý 4/2022 do yếu tố mùa vụ, tuy nhiên sẽ giảm trong 2023 do cầu suy yếu. Xu hướng giá urê sẽ theo sát giá nguyên liệu đầu vào.
So với cùng kỳ, lợi nhuận của DPM và DCM ước tính vẫn tăng trưởng khả quan trong quý 3/2022, theo đó tăng 43% đối với DPM và 34% đối với DCM, giúp hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên lợi nhuận có thể giảm trong quý 4/2022 do mức cơ sở cao năm ngoái, giảm 29% đối với DPM và giảm 4% đối với DCM.
Trong năm 2023, lợi nhuận ước tính giảm từ mức đỉnh lợi nhuận trong 2022 (-18% YoY đối với DPM và -12% YoY đối với DCM). Như vậy đà tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đạm có thể đã đạt đỉnh và có xu hướng chậm lại.
Trên cơ sở đó, SSI Research khuyến nghị Trung lập cho DPM giá mục tiêu 53.000 đồng/cổ phiếu và Khả quan cho DCM giá mục tiêu 44.000 đồng/cổ phiếu. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu đã có phản ứng tích cực với đà tăng giá urê, ngoài ra triển vọng lợi nhuận quý 3 tăng trưởng khả quan.