13:05 02/08/2023

Những yếu tố thách thức triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm nửa cuối 2023

Hoàng Lan

Khép lại mùa báo cáo tài chính quý 2, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết báo lợi nhuận tăng mạnh nhờ doanh thu tài chính tích cực. Tuy nhiên, lãi suất đã và đang giảm mạnh sẽ làm giảm thu nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023…

Một số doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục nhờ doanh thu tài chính.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục nhờ doanh thu tài chính.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ đã gặt hái kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhờ lãi suất tăng mạnh trong nửa cuối 2022 và sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2023.

Trên thị trường tiền tệ, tại thời điểm cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn 6-12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn đã tăng khoảng 2,5% - 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Nhìn chung, lãi suất huy động kỳ hạn 6- 12 tháng dao động trong khoảng 8%-9% đối với các ngân hàng thương mại lớn (không tính ngân hàng thương mại có vốn nhà nước), 9%-10% đối với các ngân hàng thương mại nhỏ-trung bình. 

Trong năm 2022, thị trường cổ phiếu Việt Nam chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ phía thị trường cổ phiếu quốc tế lẫn các sự kiện đặc thù trong nước. Điều kiện vĩ mô đầy thách thức với lãi suất cao và nhu cầu suy yếu sẽ tạo ra nhiều áp lực lớn lên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm tới và điều này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù vậy, mức giảm mạnh của thị trường trong năm 2022 đã phần nào phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự suy yếu của nền kinh tế và thu nhập doanh nghiệp trong năm 2023. VNIndex phục hồi từ vùng đáy cũng có thể giúp danh mục đầu tư chứng khoán dài hạn của các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện. 

 

Lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (bao gồm cả tái bảo hiểm) phần lớn đến từ lợi nhuận đầu tư. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là fixed income (các khoản thanh toán lãi suất cố định) và đầu tư chứng khoán (bao gồm cả góp vốn).

PVI là doanh hiểm bảo hiểm niêm yết tăng trưởng ngoạn mục nhờ doanh thu tài chính trong quý 2 và nửa đầu năm 2023. Cụ thể, doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PVI đạt 1.591 tỷ đồng trong quý 2, đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu tài chính đạt 358 tỷ đồng, tăng mạnh 69% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Chi phí tài chính cũng tăng 37% lên 66 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang so với cùng kỳ ở mức gần 167 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVI ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 694 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gần 6% lên 3.244 tỷ đồng, doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh với mức tăng gần 65% lên 661 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của PVI đã tăng gần 2.300 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 28.394 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng tài sản.

Các khoản đầu tư tài chính của PVI gồm 744 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu (đã được trích lập dự phòng giảm giá hơn 37 tỷ đồng). Ngoài ra, PVI còn có tổng cộng hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu, trong đó 697 tỷ đồng vào trái phiếu ngắn hạn và 1.849 tỷ đồng vào trái phiếu dài hạn.

Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 tăng 32% chủ yếu do doanh thu hoạt dộng tài chính tăng 76% so với cùng kỳ. Tuy doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 1,8% xuống hơn 785 tỷ đồng nhưng doanh thu hoạt động tài chính của PJICO lại tăng gần gấp đôi lên 34,2 tỷ đồng. Ngoài ra, một số loại chi phí của công ty như chí phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí tài chính giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PJICO ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ lên hơn 188 tỷ đồng. Cụ thể, mảng kinh doanh bảo hiểm không có tăng trưởng rõ rệt với doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng nhưng mảng hoạt động tài chính tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ lên 56,5 tỷ đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết khác như: Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC), Tổng CTCP Bảo Minh, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… đều ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính vượt trội trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng nhẹ, đi ngang, thậm chí có doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm ở mức 2 chữ số.

Theo các chuyên gia, kinh tế suy yếu ảnh hưởng đến thu nhập người dân, cũng như nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm và sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý xung quanh các hoạt động bancassurance tiếp tục thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023.

Mảng doanh thu tài chính có thể sẽ không còn quả ngọt như nửa đầu năm khi mà bước sang quý 2/2023, Ngân hàng Nhà nước giảm các loại lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp, trong đó đáng chú ý là trần lãi suất huy động dưới 6 tháng. Lãi suất huy động các ngân hàng đã giảm liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 6. Kết thúc tháng 6, lãi suất huy động ghi nhận đà giảm ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại vốn hóa lớn và vốn hóa nhỏ. Nhóm ngân hàng quốc doanh có mức giảm mạnh nhất, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện tại chỉ ở mức 6,3%. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023.

Lãi suất giảm mạnh sẽ làm giảm thu nhập từ tiền gửi ngân hàng của các công ty bảo hiểm. Lãi suất giảm cũng làm tăng chi phí trích lập dự phòng toán học, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm nhân thọ.