09:06 14/06/2023

Nỗ lực kéo giá căn hộ hạ nhiệt

Phan Nam

Từ năm 2018 đến nay, do nguồn cung khan hiếm, giá sơ cấp trung bình của căn hộ đã tăng mức hai con số mỗi năm và hiện đang neo ở mức rất cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân. Với nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản từ các cấp, các ngành, các địa phương…, dự kiến, nguồn cung nhà ở trên thị trường sẽ tăng nhanh trong những năm tới; từ đó, có thể tác động điều chỉnh lại mặt bằng giá bán...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Qua số liệu tổng hợp của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung nhà ở thương mại trên cả nước trong quý 1/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý trước. Cụ thể, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý đầu năm là 17 dự án (giảm so với 22 dự án của 4/2022 và 39 dự án của quý 1/2022); số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án (so với 59 dự án của quý trước và 56 dự án của quý 1/2022); số lượng dự án hoàn thành là 14 dự án (so với 28 dự án của quý 4/2022 và 22 dự án của quý 1/2022). Giá căn hộ để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dù có xu hướng tăng song vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu thực, trong đó có cả nhu cầu sản phẩm cao cấp.

NGUỒN CUNG TIẾP TỤC KHAN HIẾM, GIÁ NEO CAO

“Tại Hà Nội, Vinhomes Metropolis (Ba Đình) tăng khoảng 3,5%, lên mức 99,1 triệu đồng/m2; Lạc Hồng Westlake  (Tây Hồ) tăng khoảng 3,6%, lên mức 36,1 triệu đồng/m2; Mandarin Garden 2 (Hoàng Mai) tăng khoảng 4,1%, lên mức 43,9 triệu đồng/m2;… Tại TP.HCM, dự án Cosmo City (quận 7) tăng khoảng 3,8%, lên mức 47,3 triệu đồng/m2; Hưng Vượng 2 (quận 7) tăng khoảng 4,0%, lên mức 34,8 triệu đồng/m2…”, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Cũng nói về diễn biến cung - cầu trên thị trường, Savills Việt Nam dẫn chứng, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội trong quý 1/2023 chỉ đạt hơn 2.040 căn, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Đặc biệt, tình trạng mất cân đối nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra. Khi nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng C vẫn ở mức thấp. Tại thị trường, tỷ trọng căn hộ hạng B vẫn là chủ yếu. Cụ thể, 92% nguồn cung căn hộ tại khu vực phía Tây trong quý 1/2023 là hạng B; và từ năm 2024 trở đi, Hạng B sẽ chiếm tỷ trọng chủ đạo với 60% thị phần nguồn cung tương lai. 

Thêm vào đó, nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm và giá sơ cấp trung bình neo cao tại mức 52 triệu đồng/m2 đã tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, giá sơ cấp trung bình của căn hộ đã tăng 13%/năm, trong khi nguồn cung sơ cấp giảm 14%/năm. Đến quý 1/2023, giá sơ cấp trung bình cao hơn giá thứ cấp tới 48%. Từ năm 2020 đến năm 2024, số lượng căn hộ bàn giao giảm 36%/năm, điều này sẽ thúc đẩy nguồn cầu trên thị trường thứ cấp.

“Từ đầu năm đến nay, thị trường căn hộ thứ cấp đang nóng lên cả ở TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi đang chứng kiến một số đợt tăng giá thứ cấp trên khắp TP.HCM, lên đến hơn 5%, đặc biệt là tại các quận như Tân Bình, quận 11”, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho hay. 

Bàn về thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng với việc Chính phủ đẩy mạnh các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các dự án, sửa đổi luật và thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều nguồn cung mới và giá cả cũng sẽ dần được điều chỉnh tiệm cận hơn với giá trị thực, khi đó, lượng giao dịch cũng sẽ có nhiều chuyển biến.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Một số cơ chế, chính sách mới được Chính phủ ban hành, các bộ, ngành tổ chức triển khai về chào bán, giao dịch trái phiếu; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã có nhiều tác động đến thị trường bất động sản. Nhìn chung, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. 

Nỗ lực kéo giá căn hộ hạ nhiệt - Ảnh 1

Theo đó, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, một số dự án bất động sản được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã dần tăng lên. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều dự án sẽ được tháo gỡ vướng mắc, giúp tăng nguồn cung trên thị trường, dự kiến, lượng giao dịch cũng sẽ được cải thiện”, Bộ Xây dựng nhận định. 

THỊ TRƯỜNG SẼ CÓ DẤU HIỆU KHỞI SẮC TỪ 2024

Liên quan đến công tác này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, UBND TP.HCM đã xem xét và cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2023 phát hành ngày 12-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nỗ lực kéo giá căn hộ hạ nhiệt - Ảnh 2