09:15 17/05/2023

Nỗi lo vỡ nợ khiến ông Biden rút ngắn chuyến công du châu Á

An Huy

Ông Biden huỷ thăm Papua New Guinea và Australia để về nước sớm, giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ đang phủ bóng lên nước Mỹ...

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ tại Nhà Trắng ngày 16/5 - Ảnh: Reuters.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ tại Nhà Trắng ngày 16/5 - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ rút ngắn một chuyến công du nước ngoài và trở về Washington DC vào ngày Chủ nhật tuần này - quyết định được đưa ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy phát tín hiệu đầu tiên rằng các nghị sỹ đang nhích dần tới một thoả thuận tăng trần nợ để ngăn chặn thảm hoạ vỡ nợ chưa từng có tiền lệ của Chính phủ Mỹ.

Theo kế hoạch, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ khởi hành vào ngày thứ Tư để tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7). Ban đầu, ông Biden dự kiến sẽ thăm Papua New Guinea và Australia sau khi rời Nhật Bản, nhưng các chuyến thăm này đã bị huỷ bỏ - Nhà Trắng cho biết.

Kế hoạch đã thay đổi sau khi ông Biden có cuộc gặp với 4 thành viên cấp cao nhất của Quốc hội Mỹ, gồm hai nghị sỹ Cộng hoà McCarthy và Mitch McConnell cùng hai nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer và Hakeem Jefferies. Cuộc gặp diễn ra tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng nhằm đạt một thoả thuận cho việc nâng trần nợ và tránh một vụ vỡ nợ quốc gia.

Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, các bên đều bày tỏ lạc quan thận trọng.

Nhà Trắng gọi cuộc thảo luận là “hiệu quả” và “thẳng thắn”, cho biết ông Biden “lạc qua về việc có một con đường để đi tới một thoả thuận ngân sách có trách nhiệm và được sự đồng thuận của cả hai đảng, nếu hai phía đàm phán bằng thiện chí và nhận thức được rằng sẽ không có bên nào đạt được tất cả những gì như mong muốn”.

Các cuộc thảo luận ở cấp nhân viên sẽ tiếp tục diễn ra với tần suất hàng ngày để vạch ra một thoả thuận và ông Biden sẽ trao đổi bằng điện thoại với các nhà lãnh đạo Quốc hội trong suốt chuyến công du Nhật Bản, trước khi có các cuộc trao đổi trực tiếp khi ông trở về Washington - theo tuyên bố từ Nhà Trắng.

Ông McCarthy, người tỏ ra bi quan hơn trong những ngày gần đây, tiếp tục bày tỏ thận trọng. Phát biểu trước các nhà báo, ông nói rằng ông không trở nên lạc quan hơn, nhưng cuộc gặp ở Nhà Trắng là “hiệu quả”. Vị Chủ tịch Hạ viện nói các bên “có thể đạt được một thoả thuận trước cuối tuần này”, nhưng cảnh báo “chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm xong trong một khoảng thời gian ngắn”.

Nhà Trắng bắt đầu đàm phán chính thức với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ vào tuần trước, trong nỗ lực đạt một thoả thuận nâng trần nợ trước khi Bộ Tài chính hết tiền và mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo ngày X - ngày vỡ nợ - có thể đến vào ngay hôm 1/6.

Ngày thứ Ba, trước khi diễn ra cuộc họp ở Nhà Trắng, hơn 140 lãnh đạo các công ty lớn nhất của Mỹ, gồm Goldman Sachs, Pfizer và KKR, đã lên tiếng cảnh báo rằng việc không nâng trần nợ sẽ dẫn tới “một kịch bản thảm hoạ”. Trong thư ngỏ gửi ông Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ, các vị này nói rằng nếu các bên không đạt một thoả thuận kịp thời để nâng trần nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ phải hứng chịu hậu quả tồi tệ.

“Chúng tôi viết thư này đến nhấn mạnh những hậu quả thảm hoạ của việc Chính phủ liên bang mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ. Nếu không có giải pháp, Chính phủ có thể hết tiền ngay từ ngày 1/6. Hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng này điều cần thiết lúc này”, lá thư có đoạn.

Lời cảnh báo này của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tương tự với những gì mà bà Yellen liên tục nói đến gần đây. Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, nếu Quốc hội nước này không nâng được trần nợ liên bang từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay, hệ quả sẽ là một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” và “thảm hoạ kinh tế-tài chính” đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.