14:31 08/03/2023

NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm

Tuệ Mỹ

Mặc dù đã có một số thương hiệu cố gắng xanh hoá, nhưng việc hạn chế sử dụng vải sợi tổng hợp vẫn là một vấn đề lớn. Trên toàn cầu, sợi tổng hợp hiện là nguyên do gây cạn kiệt nguồn tài nguyên dầu mỏ và thải hàng tấn chất độc ra môi trường...

Nhà thiết kế, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần - đồng sáng lập TômTex. Ảnh: TômTex
Nhà thiết kế, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần - đồng sáng lập TômTex. Ảnh: TômTex

Năm 2022, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á lần thứ 7 (The Forbes Under 30 Asia Class of 2022). Một trong 5 đại diện của Việt Nam góp mặt trong danh sách này là nhà thiết kế, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần - đồng sáng lập TômTex. Đồng thời, Uyên Trần cũng có mặt trong danh sách 25 người trẻ lọt top Under 30 năm 2022 do Forbes Việt Nam công bố.

TỪ VỎ HẢI SẢN ĐẾN SÀN DIỄN NEW YORK, LONDON

Uyên Trần sinh ra tại Đà Nẵng, đã sống và làm việc ở Mỹ được 10 năm. Tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế thời trang tại Parsons The New School of Design, trường đại học chuyên về nghệ thuật và thiết kế lớn nhất tại New York, Mỹ. Uyên Trần được biết đến là nhà nghiên cứu vật liệu và thiết kế thời trang, từng làm việc tại các hãng thời trang như Ralph Lauren và Alexander Wang. Năm 2019, Uyen Tran bắt đầu học kỹ sư dệt may và thử nghiệm các loại vải làm từ tảo, sau đó chuyển sang da làm từ rễ nấm và vỏ tôm.

Năm 2020, Uyen Tran đồng sáng lập TômTex với Atom Nguyen, một người gốc Việt khác trước đây làm việc tại Gap Inc., với tư cách là chuyên gia tiếp thị. Họ gặp anh Ross McBee, khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh học ở Đại học Columbia, tại một vườn ươm khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 2022, anh McBee sau đó tham gia vào TômTex với tư cách là người đồng sáng lập. TômTex đã huy động được gần 2 triệu USD của các công ty đầu tư mạo hiểm SOSV và Portfolia.

“Nếu bạn dành thời gian nhìn vào những số liệu thống kê, mỗi năm, 17 triệu tấn rác từ hải sản và bã cà phê sẽ bị đẩy ra những bãi đất trống và vô tình, chúng trở thành những bãi rác khổng lồ. Cách chúng ta xử lí chất thải vẫn rất vụng về và thiếu sự tổ chức. Mặt khác, thiên nhiên lại có khả năng trả lại những thứ con người nghĩ là rác thải cho hệ sinh thái, mang đến một sự sống mới cho một nguồn nguyên liệu hữu cơ mà từ trước đến nay luôn bị coi là rác thải,” Uyen Tran nói.

NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 1
NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 2
 

Song song với việc cung cấp những lợi ích nhất định cho môi trường, TômTex được thành lập như một dấu hiệu cho sự thay đổi trong “mối quan hệ” của chúng ta đối với chất liệu của thời trang, tránh xa những nguồn cung cấp một chiều với quy trình sản xuất và vứt bỏ sản phẩm mà thay vào đó, tạo ra sự xoay vòng trong việc tìm kiếm chất liệu. Việc thu hoạch những nguyên liệu thay thế như vỏ thuỷ/hải sản và bã cà phê từ dòng chất thải sinh hoạt trở nên hợp lí hơn bao giờ hết, nhất là khi chúng sẽ cung cấp chức năng tự phân huỷ.

“Tôi đã mất 6 tháng để ổn định nguyên mẫu đầu tiên của da TômTex. Ban đầu, mẫu thử hoàn toàn trong suốt, không có bất kì màu sắc hay kết cấu hoạ tiết bề mặt nào. Đối với số đông, có lẽ nguyên mẫu đó trông giống với một miếng bọc nhựa dẻo tự nhiên hơn là da thuộc,” Uyên Trần nhớ lại. Nhưng hiện tại, bên trong một phòng thí nghiệm rộng 372m² ở trung tâm Xưởng hải quân Brooklyn, họ có thể tạo ra những mảnh vải giả da với đủ màu sắc và hoa văn khác nhau, thâm chí có mảnh mang hoa văn y như da rắn.

NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 3
NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 4
 
Các thiết kế của Peter Do tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9/2022 từ chất liệu da vỏ tôm của TômTex.
Các thiết kế của Peter Do tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9/2022 từ chất liệu da vỏ tôm của TômTex.

Nhìn thoáng qua, da tôm trông không khác da động vật khác, không có mùi da bò và cũng không có mùi hải sản. Số lượng 9.300m² vải da từ tôm đủ để sản xuất khoảng 2.000 chiếc áo khoác da. Tuy nhiên, hiện tại TômTex chủ yếu sản xuất các mẫu vải theo yêu cầu của các khách hàng.

Khi thương hiệu quần áo nữ Di Petsa của Anh trình diễn tại Tuần lễ thời trang London vào tháng 2/2022, vật liệu sinh học từ vỏ tôm của TômTex đã được giới thiệu trong một chiếc váy dài bắt chước da rắn truyền thống. Các người mẫu trong buổi trình diễn của Peter Do tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9/2022 cũng đã mặc trang phục da làm từ vỏ tôm của TômTex.

“CHẤT VIỆT” LUÔN HIỆN DIỆN

Hiện tại TômTex đang tập trung sản xuất thế hệ chất liệu sinh học mới đến từ hai nguồn nghiên cứu chính là Chitin (được dẫn xuất từ vỏ thuỷ/hải sản và sợi nấm) song song với bã cà phê. Để tạo hoa văn bề mặt, nhà thiết kế tự làm thủ công bằng đất sét hoặc in 3D theo yêu cầu. Nếu phủ thêm một lớp sáp ong, sản phẩm da sinh học của TômTex có khả năng chống nước. 

 
Loại vải da này cũng có thể được tùy chỉnh công thức để thành phẩm trông giống da, cao su hoặc nhựa. Vì vậy, các ứng dụng có thể vượt ra khỏi lĩnh vực thời trang để dùng sản xuất bao bì, làm nội thất hoặc thiết kế công nghiệp.

Mô hình của TômTex nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: tìm nguyên liệu có thể phân hủy sinh học cho các nhà sản xuất hàng may mặc và tái chế hàng núi rác thải biển. Không giống các vật liệu tổng hợp phải mất hàng chục năm - nếu không muốn nói là hàng thế kỷ - để phân hủy tại các bãi chôn lấp, TômTex cho biết vải da bằng vỏ tôm của công ty có thể dùng làm phân trộn sau khi thải ra môi trường.

Ý tưởng mang tính ứng dụng cao và có thể giải quyết được bài toán bền vững này đã giúp Uyên Trần lọt vào vòng chung kết LVMH Innovation Award 2021 (giải thưởng từ Tập đoàn LVMH ủng hộ các sáng kiến mới có sáng tạo, đổi mới và mang tinh thần kinh doanh trên thế giới). Sản phẩm da từ TômTex cũng nhận được huy chương Vàng tại IDEA (Idea Sustainable Award) - giải thưởng dành cho các thiết kế trong nhiều lĩnh vực bao gồm chiến lược thiết kế, xây dựng thương hiệu và tương tác kỹ thuật số cùng một số giải thưởng lớn khác trong ngành thời trang.

NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 5
NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 6
 
NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 7
NTK nữ trong danh sách Forbes Under 30 Asia 2022 và loại vải từ vỏ tôm - Ảnh 8
 

Tháng 11/2021, TômTex ký biên bản ghi nhớ với Vietnam Food - công ty chuyên thu gom và xử lý phụ phẩm tôm (gồm đầu và vỏ tôm) hướng tới mục tiêu cùng phát triển các giải pháp ứng dụng chitosan từ phụ phẩm tôm trong ngành dệt may và thời trang. Uyên Trần nói, TômTex được ghép từ chữ “tôm” trong tiếng Việt và chữ viết tắt của “textile” (dệt may). Đây là cách khẳng định chất Việt Nam hiện diện trong sản phẩm của cô và cộng sự.

“Khách hàng mục tiêu của chúng tôi là các hãng thời trang cao cấp, các nhà buôn và nhà phân phối hàng dệt may. Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào thương mại điện tử”, Uyên chia sẻ về mô hình kinh doanh của TômTex. Công ty hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển với trị giá công ty 10 triệu đô la Mỹ.

Uyên cho biết khoảng 500 nhãn hàng thời trang, nội thất, thiết bị công nghệ và xe hơi đã liên lạc với công ty để yêu cầu hỗ trợ sản phẩm. Nhà sáng lập TômTex chia sẻ, chất liệu vải da từ vỏ tôm được kì vọng sẽ có thể thương mại hoá vào năm 2024. Sau đó, TômTex sẽ mở rộng việc kinh doanh và lấn sân sang các lĩnh vực công nghiệp khác như hàng tiêu dùng công nghệ, thiết bị nội thất và bao bì.