09:00 02/02/2025

Ông Trump áp thuế quan, cú sốc DeepSeeek và loạt dấu ấn kinh tế thế giới tuần 27/1-2/2/2025

An Huy

Tuần qua chứng kiến nhiều chuyển động lớn trong nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu, từ việc Tổng thống Donald Trump mạnh tay áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu cho tới những tín hiệu chính sách tiền tệ trái chiều giữa hai bờ Đại Tây Dương và cú sốc đến từ mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ của Trung Quốc...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Dưới đây là một số sự kiện, vấn đề lớn của kinh tế thế giới tuần từ 27/1-2/2/2025 do VnEconomy điểm lại:

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất sau 3 lần giảm, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất lần thứ 5

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kết thúc vào ngày thứ Tư tuần này, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,25-4,5%, một kết quả không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu sẽ không vội vã trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay với lý do lạm phát còn cao, nền kinh tế còn tăng trưởng tương đối tốt và thị trường việc làm còn vững vàng.

Sau đó một ngày, ECB có đợt cắt giảm lãi suất thứ 5 kể từ khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào mùa hè năm ngoái, đưa lãi suất tham chiếu đồng euro về mức 2,75%, thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Chủ tịch ECB Christine Lagarde bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế khu vực eurozone, cho rằng nền kinh tế khu vực đang nghiêng về rủi ro suy giảm, bởi xung đột thương mại toàn cầu gia tăng có thể gây áp lực lên tăng trưởng và niềm tin suy yếu có thể đặt ra trở ngại đối với đầu tư và tiêu dùng. Giới phân tích dự báo ECB sẽ giảm lãi suất thêm 2-3 lần nữa trong năm nay.

Sự trái chiều về lập trường chính sách tiền tệ giữa Fed và ECB được cho là sẽ gây áp lực mất giá lên đồng euro, có thể khiến đồng tiền này giảm giá về ngang giá so với USD, từ mức khoảng 1,04 USD/euro hiện nay.

Ông Trump dùng thuế quan để ép Colombia nhận lại người nhập cư trái phép bị trục xuất

Sau khi lên cầm quyền, ông Trump nhanh chóng thực thi lời hứa siết chặt kiểm soát hoạt động nhập cư vào Mỹ và trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép. Colombia - quốc gia Nam Mỹ có lượng lớn người vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ - đã từ chối tiếp nhận 2 chuyến bay quân sự chở công dân nước này bị Mỹ trục xuất.

Trong một động thái cho thấy quan điểm cứng rắn, ông Trump ngay lập tức tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% và tăng lên 50% sau 1 tuần đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Colombia, cùng các biện pháp trừng phạt về thị thực, tài chính và ngân hàng đối với giới chức và các định chế của nước này. Đối mặt sức ép lớn từ ông Trump, Colombia đã phải chấp nhận đón người nhập cư trái phép bị Mỹ trả lại.

Mối lo vỡ bong bóng cổ phiếu AI khiến Nvidia mất 600 tỷ USD vốn hóa trong một ngày

Sự xuất hiện của mô hình AI giá rẻ từ startup Trung Quốc có tên DeepSeek đã gây ra một cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu vào ngày thứ Hai. Với chi phí phát triển được cho là rẻ hơn nhiều so với các mô hình hiện có, mô hình của DeepSeek đặt ra nguy cơ lớn đối với các công ty công nghệ phương Tây đang rót nhiều tỷ USD vào lĩnh vực AI, từ chế tạo con chip cho tới xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ.

Vì vậy, cổ phiếu của các Big Tech Mỹ đã bị bán tháo ồ ạt trong phiên đầu tuần, dẫn đầu là cú giảm gần 17% của cổ phiếu Nvidia - hãng chip giữ vai trò trung tâm trong cơn sốt AI toàn cầu. Phiên giảm này khiến Nvidia mất gần 600 tỷ USD vốn hóa, đi vào lịch sử là cú giảm lịch sử vốn hóa mạnh nhất trong một phiên của một cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Na Uy sắp trở thành quốc gia đầu tiên chuyển đổi 100% sang ô tô điện

Na Uy nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa bỏ ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel trên thị trường xe mới. Dù sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, nước này từ lâu đã giữ vai trò đi đầu về giao thông bền vững. Tỷ trọng ô tô điện trong tổng doanh số bán ô tô mới ở Na Uy đã tăng từ mức chưa đầy 1% vào năm 2010 lên mức 88,9% vào năm ngoái và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.

Dữ liệu từ Cơ quan Đường bộ công cộng Na Uy cho thấy ô tô điện chiếm hơn 96% doanh số bán xe mới ở nước này trong những tuần đầu năm 2025. Điều này có nghĩa là Na Uy chỉ còn một khoảng cách ngắn nữa là đạt tới “xóa sổ” xe chạy nhiên liệu hóa thạch khỏi thị trường xe mới - một mục tiêu không ràng buộc mà Quốc hội nước này đặt ra vào năm 2017.

Ông Trump áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc

Ngày thứ Bảy, dù đang tận hưởng chuyến chơi golf cuối tuần ở Florida, ông Trump không quên thực hiện tuyên bố áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico mà ông đã đưa ra trước đó. Sắc lệnh được ông Trump ký áp thuế quan 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% lên hàng hóa từ Trung Quốc. Giới chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại, khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc và lạm phát leo thang trở lại.

Ông Trump tuyên bố việc áp thuế quan trên sẽ duy trì cho tới khi điều mà ông gọi là tình trạng khẩn cấp quốc gia về chất gây nghiện fentanyl và nạn nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ chấm dứt. Các mức thuế quan mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/2.

Kinh tế Trung Quốc phát đi tín hiệu đáng lo ngại

Số liệu chính thức công bố hôm thứ Hai cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1 của Trung Quốc giảm còn 49,1 điểm từ 50,1 điểm của tháng 12. Mức điểm dưới 50 của chỉ số PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm trong tháng đầu tiên của năm mới, tiếp tục phản ánh nhu cầu lớn đối với các biện pháp kích thích tăng trưởng.

Sản xuất suy yếu, tiêu dùng trong nước còn chậm, khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết, và thuế quan của Mỹ - tất cả đều đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2025. Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại có thể bùng lên trên toàn cầu nếu các quốc gia đua nhau dựng hàng rào thuế quan, cách tốt nhất để Trung Quốc cứu tăng trưởng là tập trung kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Kinh tế Mỹ giảm tốc nhưng còn vững, kinh tế châu Âu đuối sức rõ rệt

Số liệu thống kê công bố trong tuần này cho thấy Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng 2,3% trong quý 4/2024. Đây là tốc độ tăng trưởng đã hiệu chỉnh theo các yếu tố lạm phát và mùa vụ, phản ánh sự tăng trưởng theo kỳ 1 năm. Mức tăng này không đạt dự báo tăng 2,4% mà giới chuyên gia đưa ra, đồng thời giảm. mạnh so với mức tăng 3,1% của quý 3. Tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 của kinh tế Mỹ là 2,8%, giảm từ mức 2,9% của năm trước, nhưng vẫn cao hơn mức 2% được coi là mức tăng trưởng điển hình của các nền kinh tế phát triển.

Trong khi đó, kinh tế khu vực eurozone đi ngang trong quý 4 so với quý trước, thay vì tăng 0,1% như dự báo và so với mức tăng 0,4% của quý 3. Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp đều giảm trong quý 4, với mức giảm tương ứng 0,2% và 0,1%.

Toyota vẫn là hãng xe lớn nhất thế giới về doanh số

Tổng kết về số xe được trong năm 2024, hãng Toyota của Nhật Bản cho biết đạt doanh số cả năm 10,8 triệu xe, giảm 3,7% so với năm 2023. Tuy vậy, Toyota vẫn giữ được vị trí hãng xe lớn nhất về doanh số năm thứ 5 liên tiếp. “Kỳ phùng địch thủ” đến từ Đức Volkswagen trước đó báo cáo doanh số cả năm 2024 đạt 9 triệu xe, giảm 2,3% so với năm trước.

Nguyên nhân chính khiến doanh số toàn cầu của Toyota giảm là sự sụt giảm doanh số tại thị trường trong nước, do ảnh hưởng của các vấn đề quản trị liên quan tới quy trình kiểm tra và chứng nhận xe, đặc biệt tại thương hiệu Daihatsu. Trong khi đó, Volkswagen gặp khó khăn do phải cắt giảm chi phí tại thị trường trong nước và đương đầu với một cuộc chiến giảm giá xe ở Trung Quốc.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ gây thất vọng

Chính phủ Ấn Độ dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 6,3-6,8% trong năm tài hóa tới, cho thấy một sự giảm tốc so với trước đây và thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đạt các mục tiêu tham vọng mà Thủ tướng Narendra Modi đặt ra. Bộ Kinh tế Ấn Độ cho rằng nền kinh tế trong nước sẽ đối mặt với nhiều trở ngại trong thời gian tới, gồm căng thẳng địa chính trị và thương mại gia tăng, cùng với rủi ro xảy ra những cú sốc giá hàng hóa cơ bản.

Đối với tài khóa hiện tại, kết thúc vào tháng 3/2025, Chính phủ Ấn Độ dự báo tăng trưởng đạt 6,4%, mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, mục tiêu của ông Modi là đưa Ấn Độ trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2024 - mục tiêu mà giới phân tích cho rằng cần tới tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 8%. Trong 3 tài khóa vừa qua, nền kinh tế Ấn Độ giữ được mức tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm.