07:55 21/08/2024

Phát triển du lịch sinh thái dừa Bến Tre

Anh Khuê

Du lịch xanh, bền vững đang trở thành xu thế phát triển và là xu hướng mang tính chủ đạo được rất nhiều du khách lựa chọn. Các nhà làm du lịch, các địa phương cũng không thể đứng ngoài cuộc...

Việc phát triển du lịch sinh thái gắn liền với hình ảnh cây dừa nhằm xây dựng hình ảnh, nét riêng của du lịch Bến Tre. Ảnh minh họa.
Việc phát triển du lịch sinh thái gắn liền với hình ảnh cây dừa nhằm xây dựng hình ảnh, nét riêng của du lịch Bến Tre. Ảnh minh họa.

Bến Tre với lợi thế là “thủ phủ” của cây dừa, chiếm trên 47% tổng diện tích trồng dừa cả nước (với hơn 79.000 ha, so với cả nước khoảng 170.000 ha), và được cho là có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 – 5,8 triệu tấn khí CO2.

Cùng với nhiều địa phương khác, tỉnh Bến Tre cũng đã xác định và phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao.

Để làm được điều này, ngành du lịch Bến Tre tập trung phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, trong đó có loại hình du lịch sinh thái.

Việc phát triển du lịch sinh thái gắn liền với hình ảnh cây dừa nhằm xây dựng hình ảnh, nét riêng của du lịch Bến Tre. Từ lâu, du lịch sinh thái xứ dừa đã, đang và luôn hướng về sự gần gũi với thiên nhiên, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường du lịch, phát triển du lịch xanh,… nhằm mang đến cho du khách những hoạt động, trải nghiệm thú vị.

Các hoạt động như: một ngày làm nông dân, đi xe ngựa trên đường làng, chèo xuồng ba lá trong rạch dừa nước, tham quan vườn cây ăn trái, hoa kiểng cây giống, các làng nghề truyền thống khác… mang đậm chất sinh thái sông nước xứ dừa, rất thu hút du khách.

Công ty tổ chức sự kiện và du lịch quốc tế Mekong (tiền thân là Công ty Nam Mekong) là một trong những đơn vị đã triển khai các sản phẩm du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm ở tất cả các mảng kinh doanh, như: Chương trình tham quan trải nghiệm tại làng nghề chế biến dừa tại Chợ Thom; tham quan làng nghề nấu rượu tại Ba Tri (rượu Phú Lễ sắc phong ngự tửu); khảo sát Làng hoa Phú Sơn Chợ Lách; khảo sát vườn trái cây Tân Phú; khảo sát tuyến Giồng Trôm - Cồn Ốc,…

Tỉnh Bến Tre xác định và phấn đấu đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, trong đó "du lịch sinh thái dừa" là một điểm nhấn Net Zero. Ảnh: Đặng Hữu Vinh.
Tỉnh Bến Tre xác định và phấn đấu đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, trong đó "du lịch sinh thái dừa" là một điểm nhấn Net Zero. Ảnh: Đặng Hữu Vinh.

Ông Đoàn Quốc Sỉ, Giám đốc điều hành Mekong Travel & Event, chia sẻ: “Xanh hóa là chiến lược cốt lõi trong nhiều năm qua và cũng là yếu tố then chốt trong các sản phẩm du lịch của công ty chúng tôi.

Làm du lịch xanh không chỉ là mong muốn từ phía doanh nghiệp tổ chức tours mà còn là yêu cầu từ du khách, những người không chỉ muốn trải nghiệm, thư giãn trong các chuyến đi mà còn muốn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại địa phương".

Về các sản phẩm du lịch gắn với dừa, ông Đoàn Quốc Sỉ cho biết: "Chúng tôi luôn đổi mới và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và tăng trải nghiệm cho khách du lịch",

Đối với các sản phẩm du lịch tại Bến Tre, Mekong Travel & Event luôn quan tâm chú trọng khai thác phát triển các sản phẩm, dịch vụ có giá trị từ cây dừa để phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, hình thành đa dạng và phong phú các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch mang tính đặc thù của vùng sông nước miệt vườn, xứ dừa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp và quốc tế.

Một sản phẩm du lịch xanh điển hình khác ở địa phương xứ dừa này là tours du lịch “Hộ chiếu xanh – Net Zero Passport”, do Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T - thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, phối hợp với Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) thực hiện.

Đây là tours du lịch mới được thí điểm lần đầu tại Bến Tre cũng đồng thời đầu tiên trên cả nước. Mỗi du khách thi tham gia tours sẽ được phát một cuốn “hộ chiếu” Net Zero. Du khách sẽ dùng cuốn sổ này để ghi chép lại những hoạt động đã trải nghiệm trong suốt lộ trình tour, đã lấy đi những gì, trả lại được những gì ở mỗi điểm đến. Người tham gia trải nghiệm có thể tiếp tục sử dụng cuốn sổ đặc biệt này để kiểm soát được việc mình làm trong những lần tiếp theo khi về với xứ dừa Bến Tre.

Hướng dẫn viên của tours “Net Zero Passport” sẽ hướng dẫn du khách cách ghi chép vào sổ này; đồng thời thông tin thêm về những sản phẩm nào khi dùng sẽ góp phần phát thải carbon, sản phẩm nào sẽ giảm phát thải để bù đắp ngay trong hành trình tours hoặc có lựa chọn phương án bù đắp tốt nhất sau đó.

Ngoài ra, du khách cũng được tham gia chơi một “game” nhỏ khá thú vị trên hành trình tàu là nhìn hình để sắp xếp theo thứ tự giảm phát thải khí carbon. Chẳng hạn như so sánh giữa ăn một trái dừa với một trái sầu riêng, hay giữa trái sầu riêng với trái mít thì ăn trái nào sẽ dẫn đến phát thải nhiều hơn. Trong suốt hành trình tours, du khách còn được khuyến khích sử dụng nhiều nông sản địa phương hơn, hạn chế sử dụng rác thải nhựa như túi, chai, ống hút nhựa…

Dừa kiểng bonsai được trồng tạo bởi các "nghệ nhân dừa" Bến Tre, phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của du khách. Ảnh: Đặng Hữu Vinh.
Dừa kiểng bonsai được trồng tạo bởi các "nghệ nhân dừa" Bến Tre, phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của du khách. Ảnh: Đặng Hữu Vinh.

Mới đây, vào giữa tháng 7/2024 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã tổ chức lễ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách gồm website, biểu trưng (logo), khẩu hiệu, cùng một số kênh quảng bá khác như fanpage, youtube,… Thông điệp chào mừng khi đến với Làng qua slogan “Tình Đất, Tình Người” nhằm giúp du khách cảm nhận thiên nhiên, con người và văn hóa ứng xử tiêu biểu nhất của “văn minh miệt vườn” vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre ba dải cù lao.

Bến Tre là một trong những “địa phương điểm” của cả nước trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng phát triển Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách để phát triển du lịch nông thôn được xem là một sản phẩm chủ lực, là biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển.