17:11 30/11/2022

Phát triển xe điện hàng đầu thế giới, vì sao Mỹ vẫn thiếu trạm sạc pin?

Đức Anh

Một trong những rào cản lớn nhất với việc đưa xe điện vào sử dụng đại trà là khó khăn liên quan tới các trạm sạc pin xe điện...

Một trạm sạc pin xe điện tại bang California, Mỹ - Ảnh: Getty Images
Một trạm sạc pin xe điện tại bang California, Mỹ - Ảnh: Getty Images

Tại Mỹ, nơi có thị trường xe điện phát triển hàng đầu thế giới, Chính phủ đã chi hàng tỷ USD để phát triển mạng lưới trạm sạc trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, những công ty tham gia lĩnh vực này hiện không chắc họ có thể thu về lợi nhuận hay không và ngành công nghiệp còn non trẻ ở Mỹ này đang trở nên hỗn độn.

Theo tờ Wall Street Journal, các công ty tiện ích và các trạm xăng đang tranh cãi nhau về việc bên nào sẽ sở hữu và vận hành các trạm sạc xe điện. Còn các bang ở vùng nông thôn dự báo nhiều trạm sạc tại đây đang thua lỗ trong ít nhất một thập kỷ qua. Trong khi đó, những công ty mới cung cấp thiết bị và dịch vụ sạc pin xe điện đối mặt với những nghi ngờ về độ tin cậy của thiết bị.

Việc này đang nảy sinh câu chuyện con gà-quả trứng. Những người ủng hộ xe điện nói rằng nhiều lái xe chỉ yên tâm mua xe điện nếu việc sạc pin xe cũng dễ dàng như bơm xăng tại trạm xăng. Trong khi đó, các công ty quan tâm tới lĩnh vực này nói rằng họ không thể kiếm lời cho tới khi xe điện trở nên phổ biến hơn.

Tại Mỹ, hiện chỉ có khoảng 1% người dùng ô tô sở hữu xe điện. Tuy nhiên, danh sách chờ mua xe đang ngày càng tăng lên và các nhà sản xuất như General Motors, Ford Motor đều dự báo doanh số xe điện sẽ tiếp tục tăng lên.

Để vượt qua nỗi lo về tầm đi của xe cho mỗi lần xạc đầy pin, tức lo xe hết điện khi di chuyển đường dài mà không kiếm được trạm xạc, các chuyên gia trong ngành cho rằng Mỹ cần phát triển mạng lưới trạm sạc pin xe điện nhanh rộng khắp. Với trạm sạc nhanh, xe điện chỉ mất khoảng 20 phút đến 1 tiếng để sạc đầy. Theo tổ chức nghiên cứu Atlas Public Policy, tại Mỹ hiện có hơn 145.000 cây xăng, trong khi mới chỉ có 11.600 điểm sạc pin xe điện nhanh.

Từ năm 2012, Tesla, công ty hàng đầu trong lĩnh vực xe điện ở Mỹ, đã xây dựng một mạng lưới trạm sạc nhanh riêng có tên gọi Supercharger với gần 16.000 điểm. Đây trở thành một công cụ tiếp thị để bán xe của hãng này. Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất xe điện khác phụ thuộc vào Chính phủ và các công ty tư nhân. Trong một số trường hợp, họ hợp tác đầu tư cùng các công ty cung cấp trạm sạc.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ hiện đang muốn đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sang sử dụng xe điện. Theo Luật Giảm lạm phát mới được thông qua, Chính phủ đưa ra một loạt ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới trạm sạc pin xe điện. Ước tính tổng giá trị các ưu đãi thuế cho các trạm sạc và thiết bị dành cho nhiên liệu thay thế khác sẽ lên tới 1,7 tỷ USD trong vòng 10 năm. Ngoài ra, nằm trong gói cơ sở hạ tầng được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, các bang cũng dự kiến phân bổ khoảng 7,5 tỷ USD trong vài năm tới để tăng độ phủ trạm sạc xe điện.

Tuy nhiên, căng thẳng nảy sinh giữa các doanh nghiệp như trạm xăng, cửa hàng tiện lợi, bến xe tải và các công ty tiện ích về việc bên nào sẽ bán điện cho tài xế và bên nào sẽ thanh toán hóa đơn cho cơ sở hạ tầng tốn kém để làm việc đó.

Bản đồ các điểm có trạm sạc pin xe điện trên khắp nước Mỹ. Những điểm màu xanh dương có ít nhất một thiết bị sạc pin nhanh - Nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ/Wall Street Journal
Bản đồ các điểm có trạm sạc pin xe điện trên khắp nước Mỹ. Những điểm màu xanh dương có ít nhất một thiết bị sạc pin nhanh - Nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ/Wall Street Journal

Nhiều công ty tiện ích muốn sở hữu và vận hành các trạm sạc để tăng doanh số bán điện. Họ có lợi thế cạnh tranh bởi với sự chấp thuận của cơ quan quản lý bang, họ có thể chuyển phần chi phí hạ tầng và điện năng cho khách hàng, giống như các làm với dây điện hay hoạt động sản xuất điện mới.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của các bên liên quan còn lại. Ông Channing Smith, chủ sở hữu một trạm xăng và một cửa hàng tiện lợi có tên The Corner Store ở bang Minneapolis, cho rằng điều này đe dọa sự cạnh tranh. Ông cho biết sẵn sàng lắp đặt trạm sạc pin xe điện tại các cơ sở của mình nhưng không muốn phải cạnh tranh trực tiếp với những công ty bán điện cho mình.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng băn khoan về việc liệu có công ty nào sẽ muốn xây dựng và vận hành trạm sạc pin xe điện tại những tuyến đường hẻo lánh bởi rất khó thu lợi nhuận.

Hợp tác xã Dairyland Power tại bang Wisconsin hồi tháng 8 dự báo các trạm sạc ít được sử dụng tại phía Bắc của Bang có thể sẽ “thua lỗ trong nhiều năm” và các khu vực nông thôn cần linh hoạt hơn trong việc lập quy hoạch trạm sạc.

Tại bang Maine, nhiều quan chức cho rằng một số trạm sạc có thể cần tới trợ cấp của Chính phủ để tiếp tục hoạt động bởi chúng được dự báo sẽ không thu được lợi nhuận trong ít nhất 10 năm tới.

Còn bang Wyoming dự báo sẽ không trạm sạc xe điện nào tại bang - được xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ là 4 điểm cho mỗi 80km quốc lộ - có thể sinh lời cho tới những năm 2040.

“Các trạm sạc pin xe điện vốn chưa giải được bài toán kinh tế tại các khu vực đông dân cư của bang, chứ chưa nói tới những khu vực hẻo lánh”, ông Luke Reiner, quan chức phụ trách giao thông của bang Wyoming, cho biết.

Tại Mỹ hiện chỉ có khoảng 1% tài xế sở hữu xe điện - Ảnh: Getty Images
Tại Mỹ hiện chỉ có khoảng 1% tài xế sở hữu xe điện - Ảnh: Getty Images

Tại bang Utah, trong số 15.000 thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Garkane Energy Co-Op Inc., những người sở hữu xe điện chỉ có thể “đếm trên đầu ngón tay” - theo ông Dan McClendon, giám đốc tổ chức.

Tổ chức này muốn du khách tại các công viên quốc gia như Grand Canyon có thể sạc xe điện. Tuy nhiên, lượng điện sử dụng cho các trạm sạc nhanh ở một số khu vực có thể tương đương với lượng điện mà người dân sử dụng, gây ra thách thức lớn về cung cầu điện. Bên cạnh đó, công tác bảo dưỡng thiết bị sạc cũng gặp nhiều khó khăn. Khi thiết bị hỏng hóc, các kỹ thuật viên có thể mất tới 3 giờ di chuyển từ Las Vegas tới đây - ông McClendon cho biết.