17:29 30/03/2023

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế

Phan Linh

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất. Sắp tới, sẽ vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thêm nhưng mức độ giảm đến đâu còn tuỳ thuộc năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Đó là chia sẻ của , Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại toạ đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh", do Báo Tuổi trẻ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 30/3.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về các khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị với ngành ngân hàng như vấn đề hỗ trợ giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay tài sản hình thành trong tương lai, hỗ trợ hơn nữa với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ …

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, ngành nghề và cho rằng, đây là những khó khăn hiện tại chung của nền kinh tế và doanh nghiệp, trong đó có cả ngân hàng.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh về mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc tổ chức các diễn đàn đối thoại, kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn và cùng nhau kiến nghị các chính sách cần sửa đổi.

Theo ông Đào Minh Tú, hiện nay, không riêng gì tại TP Hồ Chí Minh mà hầu hết các lĩnh vực đều đang gặp khó khăn. Khó khăn này đến từ nhiều phía, trong đó phải kể tới các nguyên nhân khách quan do tác động của dịch Covid-19 và những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Việt Nam là đất nước có độ mở cửa lớn, chịu ảnh hưởng nhiều của tình hình thế giới. Bối cảnh lạm phát cao, vấn đề tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ... đều tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước. Mục tiêu cao nhất của điều hành chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có các chính sách linh hoạt về lãi suất, tỷ giá, cung ứng tiền, giãn, hoãn, cơ cấu lại khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính… Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã giải quyết được mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và đang có xu hướng tiếp tục duy trì giá trị đồng tiền, tỉ giá đang có xu hướng tiếp tục ổn định. Mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì sự ổn định của giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu thực hiện kiểm sóat lạm phát, ổn định tỷ giá.

Từ quý 4/2022, lãi suất cho vay trung bình nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và nhóm ngân hàng tư nhân đều ghi nhận tăng thêm lần lượt 1,34% và 1,47% từ mức đáy quý 4/2021 do nhu cầu tín dụng mạnh mẽ và tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong điều kiện "room" tín dụng hạn chế.

Do áp lực lãi huy động tăng nhanh từ thời điểm đầu quý 4/2022, lãi suất cho vay cũng đã ghi nhận áp lực tăng; tuy nhiên, có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hoá giữa mức tăng cũng như thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Trong quý 1/2023, lãi suất huy động giảm dần và lãi suất cho vay đã bắt đầu ghi nhận giảm nhẹ tại các khoản vay phát sinh mới nhưng cũng sẽ có độ trễ so với lãi suất huy động.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào, không thiếu vốn.

“Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các ngân hàng thương mại tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới sẽ vận động các ngân hàng thương mại giảm tiếp. Giảm nhiều hay ít còn tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, đề xuất triển khai giãn, hoãn nợ là cần thiết, tuy nhiên, còn phải xem xét ngành nghề nào, đối tượng nào được ưu đãi, cơ cấu giãn hoãn ở mức độ nào là phù hợp…