Quần áo H&M được dùng để sản xuất điện tại Thuỵ Điển
Một nhà máy nhiệt điện lâu đời tại Thuỵ Điển sẽ chuyển sang dùng nhiên liệu từ gỗ, rác tái chế và quần áo bỏ đi của H&M thay cho than đá
Theo Bloomberg, một nhà máy nhiệt điện tại Vasteras, cách thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển 100km về phía bắc, lên kế hoạch dừng việc dùng dầu và than đá để trở thành một nhà máy phi hoá thạch vào năm 2020.
Nhà máy này sẽ chuyển sang đốt các loại gỗ và rác tái chế, trong đó có sản phẩm quần áo bỏ đi của H&M.
"Với chúng tôi, đó là những vật liệu có thể đốt cháy", Jens Neren, giám đốc bộ phận cung cấp nhiên liệu tại Malarenergi AB – đơn vị sở hữu và vận hành nhà máy nhiệt điện 54 tuổi trên, cho biết. "Mục tiêu của chúng tôi là chỉ sử dụng những vật liệu đã và có thể tái chế".
Nhà máy Malarenergi đã có thoả thuận với thành phố láng giềng Eskilstuna để đốt các loại rác thải, trong đó có một số đến từ nhà kho trung tâm của H&M đặt tại Eskilstuna.
Loại rác này trước đó không được biết là quần áo cho đến khi được nhắc đến trong một chương trình truyền hình quốc gia của Thuỵ Điển hôm 21/11.
"H&M không đốt bất cứ sản phẩm quần áo nào nếu chúng còn có thể sử dụng được", Johanna Dahl, giám đốc truyền thông của H&M Thuỵ Điển, cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi có nghĩa vụ phải tiêu huỷ tất cả những sản phẩm không đạt chuẩn hoặc không tuân thủ quy định nghiêm ngặt về hoá chất".
Từ đầu năm đến nay, nhà máy tại Vasteras đã đốt khoảng 15 tấn quần áo bỏ đi của H&M, trong tổng số 400.000 tấn rác thải, Neren cho biết.
Nhà máy này, hiện cung cấp điện cho khoảng 150.000 hộ gia đình, từng đốt kỷ lục tới 650.000 tấn than đá vào năm 1996.
Hôm 21/11, chuyến tàu chở than cuối cùng đã cập bến Vasteras để cung cấp cho hai máy phát điện bằng nhiên liệu hoá thạch của nhà máy này kể từ năm 1960. Số than này đủ để dùng cho tới năm 2020. Sau đó, một thiết bị đốt gỗ mới sẽ được bổ sung vào các bộ phận đốt rác và nguyên liệu sinh học hiện có của cơ sở này.
Thuỵ Điển vốn tự hào với hệ thống sản xuất điện gần như không có khí thải nhờ các nhà máy năng lượng gió, hạt nhân và thuỷ điện. Tuy nhiên, một số thành phố vẫn sử dụng than đá và dầu để cung cấp nhiệt cho gia đình và văn phòng trong mùa đông.
Bằng việc chuyển đổi các nhà máy lâu đời sang dùng nguyên liệu sinh học và rác thải, nền kinh tế lớn nhất Bắc Âu kỳ vọng "đoạn tuyệt" hoàn toàn với nguyên liệu hoá thạch vào cuối thập kỷ này.