16:03 10/02/2023

Quản chặt việc dùng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh

Hoàng Lan

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định đúng giá cho thuê tài sản công...để tránh thất thoát.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 1076/BTC-QLCS gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu chú trọng kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê liên doanh, liên kết. 

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, chú trọng vào kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật. 

 

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương thực hiện quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất, với tổng diện tích đất là 23.706.619 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2. Trong đó, diện tích đất ở là 21.983.544 m2, diện tích nhà ở là 4.334.122,3m2, diện tích đất không để ở là 21.535.047,3 m2, diện tích nhà không để ở là 1.215.112,6 m2.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc quản lý sử dụng quỹ nhà, đất công hiện có những khó khăn, vướng mắc nhất định. 

Đơn cử như chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể trong kiểm tra nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. 

Việc duy tu, sửa chữa những nhà tập thể trước đây đã bán cho hộ dân tầng trệt, trong khi các tầng lầu vẫn còn thuộc sở hữu nhà nước hiện sở xây dựng đang cho thuê gặp khó khăn trong việc sửa chữa vì chi phí nhiều, có nhiều chủ sở hữu, cơ chế chính sách hiện nay chưa có quy định chi tiết. 

Hiện chưa có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng trong việc giao cho công ty kinh doanh nhà là công ty cổ phần để quản lý đối với nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho thuê nhà ở, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh. 

Đáng chú ý, tại các địa phương hiện đang tồn tại một số quỹ nhà, đất tiếp quản từ chế độ cũ, hoặc nhà, đất được xác lập sở hữu toàn dân, hoặc quỹ nhà, đất nhận giao lại từ chủ đầu tư các khu đô thị mới… 

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế cụ thể nên các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất này chưa có sự thống nhất. 

Cụ thể, có địa phương thực hiện đấu giá cho thuê, có địa phương lại không; có địa phương ban hành bảng giá cho thuê nhà, đất, có địa phương không. 

Hơn nữa, việc điều chỉnh bảng giá cho thuê còn nhiều bất cập, chưa kịp thời và điều chỉnh theo thị trường…