15:44 13/03/2015

Quan tòa Trung Quốc xin lỗi về án oan sai

Diệp Vũ

Khắc phục án oan sai, nhất là các bản án tử hình, là trọng tâm trong chiến dịch cải cách tư pháp của Trung Quốc

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang.
Theo tin từ tờ Wall Street Journal, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang hôm qua (12/3) đã lên tiếng xin lỗi về những vụ án xét xử oan sai ở nước này. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống tòa án.

Trong báo cáo thường niên tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, Chánh án Zhou cho biết, các tòa án ở nước này đã xem xét lại hơn 1.300 bản án hình sự trong năm 2014, trong đó có nhiều bản án oan sai lớn.

“Đối với các bản án oan sai, chúng tôi cảm thấy vô cùng có lỗi và yêu cầu tòa án các cấp phải xem đó là bài học sâu sắc”, ông Zhou phát biểu.

Khắc phục án oan sai, nhất là các bản án tử hình, là trọng tâm trong chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải cách các cơ quan thực thi pháp luật để củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống luật pháp nước này.

Mới đây, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã yêu cầu xét xử lại một số vụ trọng án, bao gồm vụ một thanh niên 18 tuổi từ vùng Nội Mông bị tử hình vào năm 1996 sau khi bị buộc tội cưỡng hiếp và giết chết một phụ nữ trong một nhà tắm công cộng. Người thanh niên này đã được tuyên bố trắng án vào tháng 12 năm ngoái, gần 10 năm sau khi một người khác thừa nhận là thủ phạm của vụ án.

Sửa án oan sai “trước đây chưa bao giờ thực sự xảy ra trong lĩnh vực xử án hình sự ở Trung Quốc” - giáo sư luật Fu Hualing thuộc Đại học Hồng Kông nhận xét. Giáo sư Fu cho rằng, việc Trung Quốc khắc phục án oan sai là một tín hiệu tích cực và sẽ giúp cải thiện niềm tin của dư luận.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, nói rằng một hệ thống luật pháp hoạt động tốt hơn là cần thiết để đảng Cộng sản nước này tăng cường hiệu quả lãnh đạo trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc khắc phục án oan sai ở Trung Quốc sẽ không phải là một vấn đề đơn giản.

Luật sư Chen Guangwu - đại diện cho gia đình của Nie Shubin, một thanh niên 21 tuổi bị xử tử oan vào năm 1995, cho biết không thể tiếp cận được với hồ sơ vụ án, cho dù Tòa án Tối cao đã yêu cầu xét xử lại vụ án từ 3 tháng trước. Nie bị kết án tử hình sau khi bị buộc tội hãm hiếp và sát hại một phụ nữ trong một vụ án mà thủ phạm sau đó mới ra đầu thú.

“Tôi cho rằng, tòa án địa phương đã bị can thiệp”, luật sư Chen phát biểu. Ông nói đã nhiều lần yêu cầu được xem các tài liệu của vụ án nhưng không được đáp ứng. “Mọi chuyện vẫn diễn ra như vậy ở Trung Quốc. Họ tránh những việc nhạy cảm, thời điểm nhạy cảm và những nơi nhạy cảm”, ông Chen nói.