08:22 05/02/2022

Quảng Nam chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Năm 2021, tổng sản phẩm (GRDP) của Quảng Nam tăng 5,04% so với năm 2020, xếp vị thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ nhì so với 05 tỉnh trong khu vực. Quy mô nền kinh tế hơn 102.654 tỷ đồng, xếp vị thứ 18/63 tỉnh, thành phố...

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, kinh tế của Quảng Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GRDP là 5,04%, một số khu vực có sự đột phá tăng trưởng cao, bền vững.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Vượt qua ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh Covid-19, năm 2021, kinh tế Quảng Nam đã phục hồi, nhiều lĩnh vực có bước tăng trưởng khá. Xin ông cho biết, đâu là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm vừa qua?

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do tiếp tục xuất hiện các đợt dịch Covid-19 với những biến chủng mới, kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng không vững chắc, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng với tinh thần nỗ lực vượt khó, đoàn kết thống nhất, Quảng Nam đã phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đề ra với những điểm sáng về kinh tế.

Khu kinh tế mở Chu Lai- Quảng Nam
Khu kinh tế mở Chu Lai- Quảng Nam

Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 5,04%, xếp vị thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ nhì so với năm tỉnh trong khu vực. Quy mô nền kinh tế hơn 102.654 tỷ đồng, xếp vị thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự đột phá, phục hồi với mức tăng trưởng 7,78%, trong đó công nghiệp tăng 9,07%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng vẫn luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 3,56%.

Thu ngân sách hơn 23.773 tỷ đồng, vượt 23% dự toán và tăng 11% so với năm trước; cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tích cực, ít lệ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực (số thu từ ô tô chiếm hơn 70% tổng thu nội địa năm 2015, giảm xuống dưới 50% trong năm 2021).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 30.342 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và chiếm gần 30% GRDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỷ USD, tăng 16%.

Có được những thành tựu đó là nhờ sự kế thừa kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời, tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, thực hiện tốt an sinh xã hội, vừa không làm đứt gãy sản xuất, tạo nền tảng, động lực để Quảng Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm kế tiếp.

Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế đã trở thành trụ đỡ chính giúp duy trì sự phát triển của tỉnh trong năm vừa qua, đồng thời sẽ tạo đà để Quảng Nam bứt phá phát triển nhanh, bền vững trong năm 2022. Ông có đồng ý với nhận định này?

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thời điểm đánh dấu chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển kể từ khi tái lập tỉnh; từng bước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt”.

Vì vậy, tôi tin tưởng những kết quả đã đạt được trong năm qua là cơ sở có tính nền tảng để Quảng Nam bứt phá trong năm 2022 với kế hoạch tăng trưởng đặt ra từ 7,5-8% và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 theo mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp khó lường với các biến chủng mới, Quảng Nam đã xây dựng kịch bản nào cho phát triển kinh tế trong điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, thưa ông?

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” đến năm 2023.

Kế hoạch của tỉnh sẽ bám sát, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ sau khi được phê duyệt, phù hợp với tình hình phát triển và điều kiện thực tế của tỉnh.

Mục tiêu xuyên suốt của Kế hoạch, là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng lao động, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh từ 7,5-8%/năm. Trong đó, tập trung năm nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tăng năng lực của các cơ sở y tế, tiêm vaccine theo đúng lộ trình để đạt miễn dịch cộng đồng, vừa mở cửa vừa bảo đảm hệ thống y tế hoạt động thông suốt, hiệu quả, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh.

Thứ hai, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Thứ ba, phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết hàng không, du lịch; tập trung triển khai Phương án đón khách quốc tế đến Quảng Nam (là một trong bảy tỉnh, thành đã được Chính phủ cho phép) đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai thật tốt kế hoạch đón khách du lịch nội địa; chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện sẵn sàng thực hiện Năm du lịch quốc gia 2022.

Quảng Nam sẵn sàng cho Năm du lịch quốc gia 2022.
Quảng Nam sẵn sàng cho Năm du lịch quốc gia 2022.

Thứ tư, tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, vừa phục vụ cho phương án phục hồi kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển dài hạn. Trọng tâm là các dự án kết nối liên vùng và phát triển đô thị; lồng ghép nguồn vốn Trung ương và kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia theo hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng các dự án có tính liên kết cao tạo kết nối liên vùng.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính cho các dự quan trọng, dự án ODA, FDI. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống, trạng thái mới của nền kinh tế. Cùng với đó, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, hình thành, phát triển các ứng dụng quản lý, điều hành và môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Cùng với đó, gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.