10:00 12/04/2024

Quảng Ninh với mục tiêu trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc

Trương Quốc Cường

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh, trên cơ sở phát huy lợi thế biển đảo hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách, cùng hàng loạt hoạt động đạt hiệu quả thiết thực.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu và đã phê duyệt được quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương có biển trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một cơ sở pháp lý rất quan trọng để thu hút đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giao khu vực biển đối với người dân, doanh nghiệp ở các khu vực biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh".

Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phương án phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, lĩnh vực thủy sản được quy hoạch không gian sản xuất 100.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản từ kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu tạo ra sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao.

Hiện tại, quy hoạch đã được tỉnh triển khai đến tận cấp xã, các địa phương đang tiếp tục sắp xếp lại hệ thống khu nuôi trồng, bố trí quỹ đất và mặt nước chuyên dùng là 50.000 ha cho cấp phép nuôi biển ổn định lâu dài, để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất. 

Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan nhanh chóng rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển. Chỉ trong một thời gian ngắn ngay đầu tháng 4 vừa qua, Quảng Ninh đã cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã. 

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, cho biết toàn tỉnh đã tích hợp quy hoạch nuôi biển vào quy hoạch tỉnh với diện tích 45.246 ha, trong đó vùng diện tích thu hút đầu tư là 13.400 ha. Hiện đã có các doanh nghiệp và hợp tác xã nghiên cứu với gần 4.000 ha tập trung ở 7 địa phương (Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long).

Đã có 6/9 địa phương hoàn thành công tác lập phương án/đề án và bản đồ quy hoạch nuôi biển. Việc giải quyết thủ tục cấp phép môi trường, cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển cũng đang được Chi cục Thủy sản tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giải quyết.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang xây dựng Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030, với mục tiêu tổng sản lượng thuỷ sản đến năm 2030 sẽ đạt trên 305.000 tấn, tăng bình quân trên 8%/năm, giá trị sản xuất theo giá cố định đạt 16.656 tỷ đồng, theo giá hiện hành đạt 32.170 tỷ đồng, bình quân tăng 12%/năm.

Tỷ trọng cơ cấu thuỷ sản trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt từ 1,9 - 2,0% và chiếm trên 50% GRDP trong cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp,  tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 250 - 260 triệu USD, tăng bình quân 8%/năm, gấp 1,6 - 1,7 lần so với năm 2023, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 40.000 lao động, diện tích nuôi trồng thuỷ sản hữu dụng đạt 50.000 ha chiếm 52,5%...

Theo ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ chủ đầu tư ngay từ bước lập hồ sơ dự án đầu tư như: Xác định chuẩn xác sự phù hợp của các vị trí nuôi trồng thủy sản với bản đồ phương án phát triển thủy sản trong Quy hoạch tỉnh, xác nhận hiện trạng khu vực biển nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo không chồng lấn với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác và phù hợp với quy hoạch tỉnh, huyện, quy hoạch không gian biển…

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan như Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh… cũng cần phúc đáp các văn bản tham vấn ý kiến của các chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đảm bảo các dự án nuôi trồng thủy sản đều nhanh chóng được cấp phép theo đúng quy định.

Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước vẫn lúng túng trong triển khai quy hoạch không gian biển, một số kết quả nêu trên của Quảng Ninh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nhiều chuyên gia đánh giá là có cách làm, bước đi bài bản nhất trong phát triển nuôi trồng thủy sản.  

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, khẳng định: Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển, quy hoạch không gian biển… đều là những cơ sở pháp lý quan trọng nhất để chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp, chuyển từ nuôi ở vùng biển kín ven bờ sang nuôi ở vùng biển mở xa bờ, từ việc kêu gọi động viên ngư dân ra biển sang việc quản lý chặt chẽ nghề nuôi biển, từ việc đơn loài sang nuôi đa loài tích hợp, phát triển riêng đơn ngành sang kết hợp với các ngành kinh tế biển khác…

Nếu các địa phương khác đều có sự chủ động như Quảng Ninh thì mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển trên cả nước đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD chắc chắn sẽ sớm hoàn thành. 

Thủy sản là lĩnh vực có lợi thế và chiếm tỷ trọng trên 50% giá trị toàn ngành Nông nghiệp Quảng Ninh. Quý I/2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 40.792 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khai thác đạt trên 18.300 tấn, tăng 3,93%, thủy sản nuôi trồng đạt hơn 22.490 tấn, tăng 5,7%...