07:51 27/02/2023

Quyết liệt cuộc chiến “săn” nhân lực chất lượng cao

Tuệ Mỹ

Giữa bối cảnh nhiều nước đang phải đối mặt với tình trạng dân số già, cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng, trong khi lao động có kỹ năng ngày càng thiếu hụt, cuộc đua chính sách thu hút dành cho lao động tay nghề cao trên thế giới đang nóng lên từng ngày…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong một báo cáo gần đây, Công ty tư vấn toàn cầu Korn Ferry cho biết đến năm 2030, dự kiến thế giới có thể thiếu hụt đến 85,2 triệu lao động lành nghề. Công ty nhân lực ManpowerGroup thì phát hiện có tới 75% trong số hơn 40.000 nhà tuyển dụng mà họ khảo sát ở 40 nền kinh tế trên khắp thế giới đã ghi nhận tình trạng thiếu nhân tài trong năm 2022. Giữa thực tế đó, cuộc chiến nhân lực toàn cầu đã chứng kiến nhiều quốc gia đẩy mạnh các chính sách ưu đãi để hấp dẫn lao động có tay nghề cao từ khắp nơi trên thế giới. Các nước châu Á cũng không nằm ngoài cuộc đua này.

CHỦ YẾU TẬP TRUNG VÀO CHÍNH SÁCH THỊ THỰC

Những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, một cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài đã diễn ra giữa các quốc gia châu Á. Chính phủ mỗi nước đều có một kế hoạch thị thực mới hoặc sửa đổi nhằm thu hút những người nước ngoài giàu có hoặc có tay nghề cao. Điển hình nhất là Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 1 triệu người nước ngoài trong vòng 5 năm tới thông qua thị thực Cư trú dài hạn (LTR) 10 năm, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, người có thị thực này được hưởng lợi từ cơ hội có được giấy phép lao động kỹ thuật số và đủ điều kiện để bảo trợ cho tối đa 4 người phụ thuộc, có thể bao gồm vợ/chồng và con cái từ 20 tuổi trở xuống. Chương trình LTR nhằm mục đích giúp Thái Lan trở thành ngôi nhà thứ hai hấp dẫn cho công dân toàn cầu, mở rộng nhóm chuyên gia lành nghề muốn sinh sống tại quốc gia này. Người phát ngôn Thanakorn Wangboonkongchana của Chính phủ Thái Lan cho biết để khuyến khích người nước ngoài mua nhà định cư, nước này có thể sẽ giảm phí chuyển nhượng và thế chấp nhà có giá dưới 3 triệu Baht.

Trong khi đó, Singapore với chương trình Mạng lưới và Chuyên gia nước ngoài (ONE) cũng đang tìm cách thu hút những tài năng nổi bậc nhất trong các lĩnh vực kỹ thuật, toán học, khoa học và công nghệ, cùng với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tài chính và thể thao, trong bối cảnh thị trường lao động eo hẹp. Thị thực cho những lao động lành nghề này có giá trị 5 năm và có thể được tiếp tục gia hạn thêm 5 năm nữa.

Tại Việt Nam, chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao...
Tại Việt Nam, chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao...

Malaysia cũng bước vào cuộc đua thu hút các cá nhân giàu có với chương trình Thị thực Đặc biệt (PVIP), cho phép những người nộp đơn thành công ở lại nước này đến 20 năm. Những người tham gia PVIP được phép làm việc và thực hiện các hoạt động kinh doanh. Họ cũng có thể đưa vợ/chồng, con cái dưới 21 tuổi, cha mẹ vợ, người giúp việc gia đình theo cùng. Còn Indonesia thì công bố chính sách thị thực “Second home”, cho phép người nước ngoài ở lại 5 - 10 năm ở quốc gia này. Những người đủ điều kiện xin thị thực sẽ bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài, công nhân có tay nghề cao và khách du lịch nước ngoài cao tuổi.

Theo trang SCMP, ngày 17/2 vừa qua, chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định thiết lập một lộ trình mới nhằm đơn giản hóa việc cấp thị thực cho những chuyên gia có tay nghề cao là người nước ngoài. Cụ thể, chính sách cấp thị thực với thời hạn cư trú 5 năm cho người có thu nhập ít nhất 20 triệu Yên/năm và có bằng thạc sỹ trở lên; hoặc có thu nhập ít nhất 20 triệu Yên/năm và có ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm việc. Các đối tượng đáp ứng những tiêu chí này có thể xin cư trú vĩnh viễn ở Nhật Bản chỉ sau một năm sống ở nước này, tức là sớm hơn hai năm so với hiện nay.

Tại Việt Nam, chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao. Cùng với đó, mục tiêu là phải mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2023 phát hành ngày 27-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Quyết liệt cuộc chiến “săn” nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1