06:56 16/02/2007

Sản phẩm Việt tại APEC

Các sản phẩm “made in Vietnam” đã xuất hiện ấn tượng tại Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 14 tổ chức ở Hà Nội

Ông Hồ Viết Lý với những sản phẩm lụa tơ tằm do mình sản xuất.
Ông Hồ Viết Lý với những sản phẩm lụa tơ tằm do mình sản xuất.
Các sản phẩm “made in Vietnam” đã xuất hiện ấn tượng tại Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 14 tổ chức ở Hà Nội.

Đó cũng là dịp “sát hạch” và là cơ hội lớn để hàng Việt giới thiệu mình với thế giới.

Thảm Việt

Phòng khánh tiết của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM hôm 20/11/2006 được bày biện theo phong cách thuần Việt, bình dị nhưng trang trọng. Nổi bật giữa căn phòng là một tấm thảm tròn, trên nền vàng chủ đạo có các hoa văn, họa tiết phỏng theo mặt trống đồng Đông Sơn. Tấm thảm đặc biệt này lần đầu tiên được trải ra để đón Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Tác giả của tấm thảm ngỡ được đặt làm từ một xứ sở dệt thảm có tên tuổi nào đó trên thế giới là vợ chồng ông bà Mai Đình Kiêm và Nguyễn Thị Loan, chủ nhân cơ sở dệt thảm Sagoca. Một nhân viên làm công tác hậu cần của Trung tâm Giao dịch chứng khoán tiết lộ từ nhiều tháng trước đó trung tâm đã bắt tay vào công tác chuẩn bị.

Phòng khánh tiết được trang trí theo yêu cầu vừa hiện đại lại vừa mang phong cách truyền thống Việt Nam. Những người làm công tác chuẩn bị đã đến nhiều địa chỉ và cuối cùng chọn thảm Sagoca. Tấm thảm có đường kính 2,5m, dày 10mm, được làm toàn bằng len lông cừu và phải cần đến bốn thợ giỏi làm liên tục trong thời gian hai tháng.

Vang Đà Lạt “gieo hạt”

Trưởng phòng tuyên truyền Ban thư ký APEC 2006 Phạm Sanh Châu cho biết Chile đã tài trợ 12.000 chai rượu vang cho APEC. Tuy nhiên cuối cùng vang Đà Lạt đã được chọn. Vì sao?

Ông Phạm Sanh Châu nói: “Các nước mỗi khi đăng cai sự kiện quốc tế đều tranh thủ quảng bá các sản phẩm nước mình, tại sao Việt Nam lại không?”.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofood), đơn vị sản xuất rượu vang Đà Lạt - cho biết đã chọn đem đến hội nghị ba loại ngon nhất, trong đó có hai loại đỏ và một loại trắng. Ông Việt cho biết từ hơn ba năm trước Ladofood đã đầu tư phát triển một giống nho chất lượng cao tại Ninh Thuận.

Vang Đà Lạt được nhiều người cho rằng rất “gần” với khách quốc tế bởi có hương vị và công nghệ châu Âu (theo dòng Bordeaux), sản xuất theo dòng vang đỏ truyền thống của vang Pháp. Các sản phẩm vang Đà Lạt phục vụ APEC đều là các sản phẩm đang được lưu hành trong nước và xuất khẩu ra một số nước như Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuy vậy, ông Phạm Sanh Châu cũng lưu ý: “Vang Đà Lạt có nồng độ cao, hơn nữa vang là sản phẩm truyền thống của nhiều nước nên để đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều không đơn giản. Tuy nhiên, thương hiệu vang Đà Lạt có mặt trên bàn tiệc APEC quả là bước khởi đầu tuyệt vời, được đại diện các nền kinh tế biết tới”.

Hồn se trong vuông lụa

Loại vải lụa tơ tằm để may những bộ trang phục truyền thống tặng 21 nhà lãnh đạo APEC là của Công ty Lụa tơ tằm Toàn Thịnh.

Ông Hồ Viết Lý - Giám đốc Công ty - cho biết loại “lụa APEC” hoàn toàn khác với vải thông thường từ chất liệu đến cấu trúc và hoa văn. Trong khi các loại lụa thông thường có 70 hoặc tối đa 95 sợi chỉ/cm thì “lụa APEC” lên tới 110 sợi.

“Chua” nhất vẫn là hoa văn. Ngoài ba tháng chuẩn bị công nghệ cho phù hợp, vợ chồng ông Lý đã phải mất tám tháng tìm tòi, thử nghiệm các loại mẫu hoa văn và màu sắc. Có ba mẫu hoa văn được sản xuất thử nghiệm và mỗi loại mẫu lại có 5-7 màu khác nhau. Thời gian chuẩn bị cho mỗi loại màu mất ít nhất một tuần.

Ông Lý nhớ lại: “Với mỗi mẫu vải tôi sản xuất ra, chị Minh Hạnh (nhà thiết kế) lại cho cắt may ngay để đem ra Hà Nội trình lãnh đạo, hết lần này tới lần khác. Có lúc 2 giờ sáng tôi phải thức canh ở xưởng, khi máy dệt vừa xong lượng vải vừa đủ để may một cái áo là cầm chạy ngay đến chỗ Viện mẫu Fadin”.

Rồi tám tháng lo lắng cũng qua đi, loại vải được dệt bằng sợi tơ tằm cao cấp của Bảo Lộc (Lâm Đồng) với hoa văn hình hoa sen cách điệu đã được chấp nhận. “Tôi đã làm ra những mét vải đó bằng tất cả tâm huyết và niềm tự hào dân tộc”, ông Lý nói.