06:00 02/11/2021

Sản xuất công nghiệp đang dần khởi sắc

Mạnh Đức

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020...

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2021 tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2021 tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Bước vào đầu quý 4/2021, sản xuất công nghiệp dần khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.

Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng tăng tốc sản xuất, chạy đua với đơn hàng trong những tháng còn lại của năm. Nếu việc kiểm soát dịch bệnh tiếp tục khả quan, sản xuất công nghiệp trong quý 4/2021 sẽ tăng trưởng cao hơn quý 3/2021.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất công nghiệp đang dần khởi sắc - Ảnh 1

CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO DẪN DẮT TĂNG TRƯỞNG

Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp – điểm xung yếu của ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, đe dọa lớn gây đứt gãy chuỗi sản xuất quy mô lớn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, với chủ trương của Chính phủ là tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh và nhiều địa phương cũng đã kích hoạt tất cả các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất, xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất trong tình hình mới để duy trì chuỗi sản xuất trong nước.

 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn phát triển ấn tượng là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp và tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%), đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Những con số này đang phản ánh rõ hơn sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp là tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng.

Không những vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,82 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,88 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 864,7 triệu USD, chiếm 23,8% giá trị góp vốn.

Trong sự phát triển chung của ngành chế biến, chế tạo có sự đóng góp rất lớn của các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ôtô, cùng những kết quả đáng ghi nhận của các ngành chế biến nông sản, gia công may mặc...

NỖ LỰC KHÔI PHỤC SẢN XUẤT

Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhận định nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất thì công nghiệp trong quý 4/2021 sẽ tăng trưởng cao hơn quý 3/2021.

Khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (tăng 8-9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, cho biết Cục Công nghiệp sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động.

Đồng thời, tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp.

Cục Công nghiệp cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo các vụ, cục liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghiệp trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chính sách, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ.

Đồng thời, tạo điều kiện kết nối, phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia nhằm thu hút đầu tư, kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; Kết nối, xây dựng các chính sách hỗ trợ một số doanh nghiệp tiềm năng trong nước trở thành các tập đoàn lớn dẫn dắt các ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương với khối Công Thương địa phương 63 tỉnh, thành phố mới đây, căn cứ diễn biến tình hình thực tế trong nước và thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong những tháng còn lại của năm 2021, UBND tỉnh, thành phố bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh…

Đối với các Sở Công Thương, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện... để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; ưu tiên quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm liên kết ngành tạo chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp.

 

Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại.

Thời gian tới, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khởi sắc nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu đang hồi phục.

Do đó, việc khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn, giữ được bạn hàng cho những năm tiếp theo.

Để làm được điều này, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh chú trọng kiểm soát dịch bệnh.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất công nghiệp để hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.