13:18 16/12/2021

Sản xuất và tiêu thụ thép cùng tăng nhẹ do sản xuất công nghiệp khởi sắc

Mạnh Đức

Trong 11 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ thép cùng tăng so với cùng kỳ…

Sản xuất tiêu thụ thép tăng trưởng nhờ kết quả từ đầu năm.
Sản xuất tiêu thụ thép tăng trưởng nhờ kết quả từ đầu năm.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2021.

Theo đó, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 11/2021 tăng nhẹ, đạt 2,9 triệu tấn và tăng 9% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 30,5 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn VSA.
Nguồn VSA.

Riêng tiêu thụ thép các loại giảm trong tháng 11/2021, đạt 2,3 triệu tấn, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, tiêu thụ thép các loại đạt 26,9 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ 2020. Trong đó xuất khẩu các thành viên VSA đạt 7,1 triệu tấn, tăng đáng kể so với cùng kỳ 2020.

Nguồn VSA.
Nguồn VSA.

Theo đánh giá của VSA, tính chung 11 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.

Về tình hình xuất khẩu thép, trong 10/2021 đạt 1,219 triệu tấn, giảm 10,11% so với tháng trước nhưng tăng 30,27% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,232 tỷ USD giảm 12,23% so với tháng 9/2021 nhưng tăng hơn 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt khoảng 11,069 triệu tấn, với trị giá đạt hơn 9,654 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam: Nguồn VSA.
Thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam: Nguồn VSA.

Ngược lại, trong tháng 10/2021, nhập khẩu thép về Việt Nam đạt xấp xỉ 841 nghìn tấn với kim ngạch khoảng 923 triệu USD, tăng 3,4% về lượng nhưng giảm 1,7% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 7,33% về lượng nhưng tăng 55,72% về giá trị.

Lũy kế 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 10,53 triệu tấn với trị giá hơn 9,6 tỷ USD, giảm 6,03% về lượng nhưng tăng 44,47% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình giá và lượng nhập khẩu thép vào Việt Nam năm 2019-2021: Nguồn VSA
Tình hình giá và lượng nhập khẩu thép vào Việt Nam năm 2019-2021: Nguồn VSA

Cập nhật về tình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, VSA cho biết giá quặng sắt ngày 6/12/2021 giao dịch ở mức 100,15-100,65 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng nhẹ khoảng 4 USD/tấn so với thời điểm 8/11/2021.

Mức giá này giảm khoảng 110 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (xấp xỉ 210 – 212 USD/tấn).

Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 6/12/2021 giao dịch ở mức khoảng 291,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh 45,75USD so với đầu tháng 11/2021.

Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530USD/tấn CFR Đông Á ngày 1/12/2021 giữ nguyên so với đầu tháng 11/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu ổn định, trong khi Đông Á có xu hướng giảm.

Giá điện cực than chì (GE) của Trung Quốc đã tăng 3.500 – 4.000 NDT/tấn (tương đương 549 – 627 USD/tấn) so với tháng trước do giá than cốc tăng.  Giá điện cực loại UHP 600mm được giao dịch ở mức 24.500 NDT/tấn (tương đương 3.840/tấn), trong khi giá điện cực loại HP 450mm ở mức 20.700 NDT/tấn ( tương đương 3.245/tấn).

Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/12/2021 ở mức 781 USD/T, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 34 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 11/2021.

Nguồn VSA.
Nguồn VSA.

Theo đánh giá của VSA, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn đạt được mức tăng trưởng là do tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 khởi sắc khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.

Nhận định về năm 2022, VSA cho rằng tình hình dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự kiến tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.

Nhằm cân đối cung cầu năm 2022, VSA cũng đưa ra một giải pháp và kiến nghị như xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài.

Chủ trì xây dựng và sớm ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, đồng thời hướng dẫn quy trình, sự tham gia của cơ quan Nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp.