14:33 24/01/2024

SCMP: Việt Nam là lựa chọn đầu tiên khi doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển sản xuất ra nước ngoài

Hoài Thu

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bước sang năm thứ 6 và Washington siết chặt kiểm soát nguồn gốc sản xuất của hàng hóa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc không còn xem việc dịch chuyển là một lựa chọn nữa. Dịch chuyển sang Việt Nam hoặc một quốc gia khác trong ASEAN có thể trở thành việc không thể tránh khỏi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Carl Ying, chủ một công ty xuất khẩu máy cạo râu điện Trung Quốc, thường đau đầu mỗi khi đến mùa nhận đơn hàng mới. Những năm gần đây, công ty của ông nhận được ít đơn hàng hơn từ các khách hàng ở Mỹ. Vào cuối năm 2023, nhiều khách hàng Mỹ gợi ý công ty ông chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang quốc gia khác có chi phí sản xuất thấp hơn.

KHÔNG CHỈ LÀ MỘT LỰA CHỌN, MÀ LÀ ĐIỀU BẮT BUỘC

Điều này xảy ra phổ biến với các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài và làn sóng dịch chuyển của các công ty sản xuất sang những nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam.

Suốt nhiều năm qua, đa số sản phẩm của công ty ông Ying được xuất khẩu sang Mỹ cho các tiệm cắt tóc và làm đẹp. Công ty hiện có hai nhà máy ở Trung Quốc. Trước đó, công ty này và các khách hàng Mỹ đã thỏa thuận cùng gánh chi phí tăng lên do thuế nhập khẩu 10% được Washington áp đặt từ tháng 9/2018.

Nhiều bạn bè doanh nhân của ông Ying đã dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam bởi thuế nhập khẩu của Mỹ khiến lợi nhuận của họ giảm mạnh và đối mặt nguy cơ ngừng hoạt động.

“Có thể một ngày nào đó tôi cũng sẽ chuyển tới đó”, ông Ying chia sẻ và cho biết đã có hai chuyến đi tới thành phố Hải Phòng trong năm ngoái. Hải Phòng là thành phố ven biển hiện có nhiều nhà máy do Trung Quốc đầu tư.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Việt Nam thường là lựa chọn đầu tiên khi các nhà sản xuất Trung Quốc cân nhắc dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài. Bởi, Việt Nam có dân số lao động lớn và dễ dàng tiếp cận với các thị trường phát triển trên thế giới.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bước sang năm thứ 6 và Washington siết chặt kiểm soát nguồn gốc sản xuất của hàng hóa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ không còn xem việc dịch chuyển là một lựa chọn nữa, mà là điều bắt buộc.

Dịch chuyển sang Việt Nam hoặc một quốc gia khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành việc không thể tránh khỏi - Ảnh: Getty Images
Dịch chuyển sang Việt Nam hoặc một quốc gia khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành việc không thể tránh khỏi - Ảnh: Getty Images

“Việt Nam là một địa điểm quan trọng với những doanh nghiệp một thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1. Các nhà máy Trung Quốc đang sản xuất cho doanh nghiệp Mỹ và sau đó xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải theo chân khách hàng của mình tới Việt Nam”, ông David Zweig, giáo sư danh dự của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nhận xét.

Còn theo ông Yan Shaohua, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Fudan, doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang chịu áp lực khi khách hàng Mỹ đã chuyển một số đơn hàng và quan hệ đối tác khỏi Trung Quốc. Đây là một biện pháp phòng ngừa rủi ro liên quan tới chiến tranh thương mại.

“Dịch chuyển sang Việt Nam hoặc một quốc gia khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành việc không thể tránh khỏi”, ông Yan nhận định.

 

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bước sang năm thứ 6 và Washington siết chặt kiểm soát nguồn gốc sản xuất của hàng hóa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc không còn xem việc dịch chuyển là một lựa chọn nữa, mà là điều bắt buộc.

Việt Nam là thành viên của hai hiệp định thương mại lớn do Mỹ dẫn đầu là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã rót 2,92 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,07 nghìn tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm lần lượt 13,8% và 11%.

Việc này đang ảnh hưởng tới hầu hết các tỉnh ven biển như Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang – nơi nguồn thu đáng kể đến từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang phương Tây. Hoạt động sản xuất tại các tỉnh này đang được dịch chuyển sang những quốc gia như Việt Nam với nguyên nhân chính là chi phí sản xuất trong nước ngày càng tăng và căng thẳng địa chính trị.

CHẮC CHẮN SẼ THÀNH CÔNG?

Tuy vậy, việc dịch chuyển sản xuất cũng không đảm bảo mang lại thành công.

Nhà phân tích ngoại giao và quản trị Yang Yaoyuan tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh, cảnh báo rằng việc dịch chuyển sang Việt Nam đối mặt với một loạt vấn đề tương tự những gì doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc gặp phải.

Ông Yang cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc cũng phải nghiên cứu kỹ chính sách thuế, chính sách sử dụng đất và luật lao động của Việt Nam trước khi dịch chuyển hoạt động tới đây. “Những công ty xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ chỉ nên xem Việt Nam như một trong nhiều lựa chọn để mở rộng hoạt động”, nhà nghiên cứu này khuyến nghị.

Bà Tjia Yin Nor, Phó giáo sư tại Khoa Quan hệ Công và Quốc tế thuộc Đại học Thành phố Hồng Kông, cũng lưu ý về việc tuân thủ luật lao động ở Việt Nam. “Các công ty Trung Quốc có xu hướng tuyển thực tập sinh tại Việt Nam, hành động vấp phải nhiều chỉ trích. Một số công ty không quen với pháp luật bản địa đối mặt với cáo buộc bóc lột thanh thiếu niên”, bà cho biết.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất chung tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng lên. Theo ông Zhou Libin, giám đốc công ty Tiansu Machinery & Technology có trụ sở tại Chiết Giang, Trung Quốc, lương tháng của một lao động có tay nghề ở Hải Phòng vào năm 2018 là khoảng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) nhưng nay đã tăng gấp 3 lần.

Bên cạnh đó, giá thuê đất bình quân ngày cho một nhà máy tại Hải Phòng đã tăng từ 1 nhân dân tệ lên 1,5 nhân dân tệ/m2, gần tương đương với giá thuê tại nhiều khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng tốt hơn ở Chiết Giang.

Ông Zhao cũng chia sẻ rằng việc xuất khẩu hàng từ Việt Nam đi Mỹ dễ hơn so với từ Trung Quốc nhưng doanh nghiệp của ông gần như không có lợi nhuận.

“Mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, đến mức bạn phải băn khoăn liệu trở về quê nhà có tốt hơn không”, ông Zhao nói. Trên thực tế, doanh nhân này đã chuyển một số hoạt động sản xuất trở lại Trung Quốc trong năm 2023.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ nghĩ đến việc trở lại quê nhà. Tháng 11 năm ngoái, Texhong International, một trong những nhà sản xuất dệt may lớn nhất Trung Quốc, đã bán nhà máy rộng 250.000 mét vuông tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là động thái thu hẹp lớn nhất của công ty này kể từ khi bắt đầu hoạt động tại đây vào năm 2006.

Trong hồ sơ gửi cơ quan quản lý chứng khoán, công ty có trụ sở tại Thượng Hải cho biết đây là một phần trong kế hoạch xử lý các nhà máy đang thua lỗ.

Ông Oscar Liu, một quản lý tại công ty sản xuất tấm điện quang Powernice Intelligence Technology đang có nhà máy ở Việt Nam, cho rằng việc mở rộng ra nước ngoài không đồng nghĩa từ bỏ thị trường trong nước.

“Chúng tôi hy vọng Chính phủ có thể hỗ trợ khi chúng tôi đưa lợi nhuận và kinh nghiệm từ nước ngoài trở về, và đầu tư lợi nhuận ở nước ngoài vào hoạt động đổi mới, sáng tạo ở quê nhà”, ông Liu nói.