Số doanh nghiệp giải thể tại Nghệ An tiếp tục tăng
Thu hút vốn đầu tư tăng cao, sản xuất công nghiệp ổn định là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng qua của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, địa phương này vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu ngân sách chưa đạt, giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm trước...
Sáng 26/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm thảo luận, phân tích tình hình kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, đầu tư công, cải cách hành chính 9 tháng đầu năm 2023.
Thông tin tại phiên họp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng dự ước 6,3 - 6,5%. Tình hình sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, vụ đông xuân và vụ hè thu được mùa, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng cao.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 ước tăng 11,37% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 9 tháng ước tăng 4,32%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 220 triệu USD, tăng 11,97%, luỹ kế 9 tháng ước đạt 1.759,03 triệu USD, tăng 5,98% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 95 triệu USD, luỹ kế 9 tháng ước đạt 942 triệu USD.
Theo Sở Tài chính Nghệ An, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 9 ước thực hiện 963 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng ước thực hiện 11.671 tỷ đồng, đạt 73,6% dự toán và bằng 77,48% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa 9 tháng ước thực hiện 10.910 tỷ đồng; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng ước thực hiện 755 tỷ đồng.
Hoạt động thu hút đầu tư của Nghệ An đạt kết quả tích cực. Trong tháng 9, tỉnh đã cấp mới cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7.294 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tỉnh đã cấp mới 91 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 35.578 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 41.799 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới tăng 13,7%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,9 lần.
Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 1,275 tỷ USD. Luỹ kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 130 dự án đăng ký với tổng vốn đăng ký khoảng 3,85 tỷ USD.
Một số dự án điều chỉnh lớn, gồm: Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Runergy tăng 147 triệu USD; điều chỉnh Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VSIP Nghệ An tăng 92,93 triệu USD...
Công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu Quốc gia được chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân hơn 4.979 tỷ đồng, đạt 47,04%, trong đó nguồn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 2.982 tỷ đồng, đạt 41,8% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp dự kiến sẽ không đạt kịch bản tăng trưởng đề ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng.
Thu ngân sách của Nghệ An giảm so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu và với cùng kỳ năm 2022. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc trang thiết bị, vật tư y tế gặp khó khăn. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, cải cách hành chính có chuyển biến nhưng vẫn còn một số tồn tại.
Tại cuộc họp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện giải ngân thấp, không có chuyển biến sau hội nghị giải ngân vốn đầu tư công UBND tỉnh tổ chức trước đó, tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư; đồng thời yêu cầu nghiêm túc thực hiện báo cáo công tác giải ngân vốn đầu tư công của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành cao nhất mục tiêu; cần có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Trong đó, cần tập trung vào việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu; hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI đang triển khai thực hiện các dự án nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động, phát huy hiệu quả để đóng góp tăng trưởng của tỉnh; đồng thời khuyến khích và thúc đẩy hoạt động tiêu dùng.