Sóng FDI vào Việt Nam sẽ "bùng nổ"
Đang có sự dịch chuyển trong dòng vốn FDI khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đổ vốn chất lượng vào Việt Nam thay vì những lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, lao động... như trước kia
"Một người bạn cũ hơn 20 năm trước của tôi đã đột ngột đến gặp tôi ở Việt Nam (Việt Nam) để tìm hiểu về môi trường đầu tư. Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan cũng thường xuyên ghé Việt Nam", ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ về sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.
Với 2.589 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có quy mô vốn 31,44 tỷ USD (luỹ kế đến 20/12/2018), Đài Loan hiện đứng thứ 4 trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong hơn 30 năm qua.
Nhiều doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn Việt Nam
Song theo ông Thạch Thụy Kỳ, vốn FDI của Đài Loan sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019 và các năm tới khi các doanh nghiệp Đài Loan đẩy mạnh việc dịch chuyển nguồn vốn ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
"Trong số 47.000 dự án đang hoạt động tại Trung Quốc, nhiều chủ dự án có ý định dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài. Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư được cân nhắc", ông Thạch Thụy Kỳ nói.
Theo vị đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam, ngoài sự gần gũi về văn hoá, ẩm thực, phong tục tập quán thì nguồn lao động giá rẻ dồi dào và sự hội nhập sâu rộng mạnh mẽ của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do chính là những lợi thế của Việt Nam được doanh nghiệp Đài Loan ưa thích.
Các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc cũng đang có ý định dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc. Chia sẻ câu chuyện bên lề Diễn đàn doanh nghiệp APEC diễn ra tại Papua New Guinea từ 17-18/11, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hiện có khoảng 1/3 số doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hoặc đang có ý định dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do những căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Không chỉ vậy, vị đại diện VCCI còn cho rằng Việt Nam đã trở thành cái tên được nhắc tới nhiều tại Papua New Guinea sau khi PwC công bố báo cáo điều tra kinh doanh. Theo đó, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có triển vọng hút vốn FDI nhiều nhất, đứng trên các quốc gia như Mỹ, Australia, Thái Lan...
"Một trong những lý do quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư là bắt nguồn từ niềm tin và sức sống của các hiệp định thương mại tự do khi có gần 40% doanh nghiệp cho rằng doanh thu thời gian tới sẽ gia tăng do các hiệp định này", ông Lộc cho biết.
Hút vốn vào lĩnh vực công nghệ cao
Nhận định về dòng vốn FDI từ Đài Loan vào Việt Nam trong thời gian tới, ông Thạch Thụy Kỳ cho rằng quá trình dịch chuyển nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc sẽ tiêu tốn thời gian, vì vậy trước mắt, các doanh nghiệp Đài Loan sẽ đẩy mạnh các đơn hàng sang các doanh nghiệp Đài Loan ở thị trường khác, trong đó có Việt Nam. "Do đó, sẽ có thêm nhiều dự án của Đài Loan được mở rộng đầu tư tại Việt Nam", ông Kỳ khẳng định.
Điều đáng nói, theo ông Thạch Thụy Kỳ, rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp máy móc đã "xuất khẩu" vốn ra nước ngoài và chưa có mặt tại Việt Nam lại đang đẩy mạnh việc xem xét tham gia thị trường này.
"Đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư vào các khu công nghệ cao của Việt Nam nhưng Đài Loan thì chưa. Gần đây, thường có nhiều phái đoàn đến khảo sát thực địa tại khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, Đà Nẵng và Tp.HCM. Họ đều ấn tượng với hạ tầng ở những khu này. Đấy là tín hiệu tích cực", ông Kỳ nhấn mạnh.
Cũng hứa hẹn một viễn cảnh tương tự trong việc hút vốn đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam, ông Goki Nobuta, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc dự kiến có khoảng 80 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản trong các lĩnh vực như công nghệ cao sản xuất động cơ, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy, phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác... sẽ tới đầu tư sau khi Khu công nghiệp Thăng Long - Vĩnh Phúc khánh thành giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 vào đầu tháng 11/2018.
Điều này cho thấy đang có một sự dịch chuyển trong chất lượng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ vốn FDI chất lượng vào Việt Nam thay vì những lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, lao động... như trước kia.
Tuy nhiên, như TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng nói, vấn đề của Việt Nam không chỉ là chủ động chọn lọc dự án mà quan trọng hơn là cần có sự chuẩn bị phù hợp để đón được làn sóng đầu tư này một cách hiệu quả nhất. "Đó là sự cần thiết từ việc thay đổi môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Cung khẳng định.