09:22 03/03/2023

Sửa Luật Đất đai: Cần cân bằng lợi ích các bên, quan tâm đất nông nghiệp

Ban Mai

 Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, chính sách, pháp luật về đất đai mặc dù có cải thiện hơn trước nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Làm sao để người dân hiểu việc thu hồi đất là sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, giá bồi thường phải được tính trước khi có quyết định thu hồi đất. Lợi ích phải cân bằng giữa quản lý nhà nước với lợi ích của người dân.

BỔ SUNG MỘT CHƯƠNG VỀ ĐẤT DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức sáng 01/3/2023, theo các đại biểu, tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra ở nhiều nơi.

Việc bố trí đất đai cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thậm chí khu công nghệ cao, nhiều nơi còn chưa hợp lý; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp thấp. Quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm; ruộng đất manh mún, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp, nhiều rủi ro dẫn đến ruộng đất bị bỏ hoang hóa.

Một số ý kiến cho rằng cần bổ sung một chương riêng về đất do nhà nước quản lý. Vì hiện nay, vấn đề này được điều chỉnh trong các luật khác nhau, ngoài Luật Đất đai còn có Luật Quản lý tài sản công, Nghị định 167 và hàng loạt văn bản có liên quan và có sự không tương thích, nếu không muốn nói là xung đột giữa các đạo luật liên quan tới tài sản công.

Góp ý Điều 85 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Trưởng bộ môn Bất động sản, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đề nghị bổ sung thêm cơ chế giải quyết khiếu nại và tiếp thu phản hồi của những người có tài sản và quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng.

Đồng thời, nêu rõ cấp thẩm quyền nào có quyết định cuối cùng, tương ứng với quy mô dự án phát triển. Cụ thể, nếu thẩm quyền thu hồi đất là UBND cấp tỉnh, thì tương ứng là ủy ban thu hồi đất trung ương sẽ là nơi lắng nghe và đưa ra quyết định cuối cùng dành cho khiếu nại. Nếu thẩm quyền thu hồi đất là UBND cấp huyện, thì ủy ban thu hồi đất cấp tỉnh sẽ là nơi lắng nghe và đưa ra quyết định cuối cùng.

TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Trưởng bộ môn Bất động sản, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: "Đề nghị bổ sung thêm cơ chế giải quyết khiếu nại và tiếp thu phản hồi của những người có tài sản và quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng" - Ảnh: PA.
TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Trưởng bộ môn Bất động sản, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: "Đề nghị bổ sung thêm cơ chế giải quyết khiếu nại và tiếp thu phản hồi của những người có tài sản và quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng" - Ảnh: PA.

Ông Đoan cho rằng cần đưa ra các mốc thời gian cho phản hồi và tiếp thu phản hồi. Chẳng hạn, trong vòng 30 ngày kể từ lúc có thông báo chủ trương chính sách và kế hoạch liên quan bồi thường và hỗ trợ tái định cư để tổ chức triển khai dự án, người có tài sản và quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng có thể có ý kiến và phản hồi. Nếu quá thời gian đó, ý kiến không được xem xét trong kế hoạch được ban hành.

Góp ý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng, giá bồi thường phải được tính cụ thể, nếu các trường hợp chưa có giấy tờ thì giá bồi thường phải như thế nào; giá bồi thường cần kèm theo tái định cư, nhưng chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ.

ĐẤT ĐAI LÀ TƯ LIỆU SẢN XUẤT CỦA NÔNG DÂN

Các đại biểu TP.HCM cho rằng nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tác động tới 7 Luật chuyên ngành của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (gồm các Luật: Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng, chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi).

Cụ thể, tại Điều 58 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh.

Đồng thời, cần phân loại đất điều tra theo mục đích sử dụng như phân loại đất nông nghiệp tại Điều 10, phân thành nhóm đất: Nông nghiệp, Phi nông nghiệp và Đất chưa sử dụng để có phương pháp điều tra đánh giá phù hợp, hiệu quả.

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo Hội Nông dân TP.HCM các quy định nêu trong dự thảo cần chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tính toán xu hướng phát triển nông nghiệp để có quy định kịp thời.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho biết đối với ngành nông nghiệp thì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của nông dân.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là nội dung tại điểm 9, Điều 10 quy định về đất nông nghiệp khác, gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp và đất công trình khác trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không nhằm mục đích phi nông nghiệp.

Nhiều đại biểu kiến nghị, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp như: nhà kính, nhà kho…

Vì theo ông Nguyễn Văn Hào (TP. Thủ Đức, TP.HCM), đất xây dựng nhà chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được coi là đất nông nghiệp, không phải đất xây dựng nhà ở. Vì để phát triển sản xuất nông nghiệp cần có nhà chế biến, nhà kho…

Cụ thể hơn, ông Đoàn Văn Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho rằng nên có quy định rõ không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích xây nhà yến. Vì hiện nay người nông dân muốn xây dựng nhà yến phải chuyển mục đích sang đất ở và xin chuyển mục đích sử dụng rất tốn kém. Trong khi nuôi yến là thuộc ngành chăn nuôi. Nhiều tỉnh, thành đã nuôi yến, cơ cấu ngành này trong nông nghiệp ngày càng tăng.

Tại nội dung Điều 49 của dự thảo quy định, chỉ tổ chức kinh tế được chuyển nhượng đất nông nghiệp khi có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND chấp thuận. Theo ông Lê Tấn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM), như vậy, cá nhân không được chuyển nhượng. Nên thêm đối tượng là cá nhân, hộ gia đình trong nội dung này.

Đối với Điều 51 của dự thảo quy định, đối với cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác. Ông Lê Tấn Cường cho rằng thực tế rất nhiều người nông dân có con sinh sống tại các quận, huyện ở xa nơi có đất sản xuất nông nghiệp và cũng không làm nông nghiệp. Như vậy, bố mẹ sẽ không chuyển nhượng được cho con mình.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét, tính toán đề cập đến đất tại đô thị có thể phát triển nông nghiệp đô thị. Điều này sẽ tạo cảnh quan đô thị và kích thích các ngành khác phát triển, đặc biệt du lịch. Dự thảo cần nghiên cứu nội dung này. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về đất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái…