Sửa Luật Dầu khí: Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh của PVN
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)...
Góp ý vào dự thảo sửa đổi luật này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá cao việc ban soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia…, nhưng vẫn còn một số tồn tại.
Cụ thể, theo đại biểu, hiện vẫn còn khó khăn trong việc xây dựng luật làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Bên cạnh đó, vẫn còn vướng mắc trong việc làm sao để khuyến khích xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng.
“Trong dự thảo luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và PVN cũng chưa rõ ràng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá.
Cụ thể, trong Chương 1 tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị giải thích thêm các cụm từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng tặng thu tài nguyên dầu khí…
“Trong dự thảo luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xuất hiện trong dự thảo luật. Quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, đại biểu đoàn TP.HCM bày tỏ băn khoăn.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Ngành dầu khí Việt Nam ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí và còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác. Trong đó, PVN - doanh nghiệp nòng cốt của ngành – đã đóng góp khoảng 20-25% tổng thu ngân sách và GDP cả nước trong giai đoạn 2006-2015. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.
Cũng góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) quan tâm đến việc ủy quyền quản lý Nhà nước đối với một số nội dung kinh tế kỹ thuật cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhằm đảm bảo tăng cường tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm của Tập đoàn, bảo đảm bảo hiệu quả hơn trong phát triển ngành Dầu khí.
“Trong lịch sử, nước ta đã có Tổng cục Dầu khí đảm nhiệm đồng thời cả hai nhiệm vụ là quản lý nhà nước và đầu tư phát triển thúc đẩy phát triển ngành dầu khí. Nếu bây giờ chúng ta trao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia một số chức năng quản lý Nhà nước nhưng chỉ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật để hoạt động hiệu quả hơn là một chủ trương thích hợp”, đại biểu Lộc nêu quan điểm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc tăng cường phân cấp, đảm bảo tính tự chủ của PVN cũng là một vấn đề rất quan trọng để nâng cao tính tự chủ về hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông, hiện nay, việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước đang có vấn đề với Bộ chuyên ngành quản lý, Ủy ban quản lý vốn tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế nên để đảm bảo hiệu quả cho khu vực này thì cần đến những cải cách.
Vì thế, đại biểu cho rằng những biện pháp định áp dụng với PVN là sẽ là những thí điểm để có thể mở rộng ra trong các lĩnh vực khác của khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo luật cần nghiên cứu việc xác định địa vị pháp lý cụ thể của PVN và xác định cụ thể hơn theo Luật Doanh nghiệp năm 2020; xác định quan hệ giữa Tập đoàn dầu khí và các công ty con; cũng như lưu ý đến phạm vi trách nhiệm tài sản của PVN khi kí kết hợp đồng...