Sửa Nghị định 65: Giới chuyên gia nói gì về tháo gỡ bế tắc thanh khoản và khôi phục niềm tin trái phiếu doanh nghiệp?
Chuyên gia kỳ vọng những điểm mới được bổ sung cùng việc ngưng thi hành một số quy định tại Nghị định 65 sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xoay xở vấn đề về trái phiếu, giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường. Tuy nhiên, để giải toả những bế tắc về thanh khoản, nút thắt pháp lý trong nhiều lĩnh vực cũng cần được tháo gỡ...
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế”. Trước đó, Bộ Tài chính đặt tên nghị định là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Dự thảo với nhiều đề xuất mới được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin thị trường và tháo gỡ khó khăn thanh khoản thị trường sau một năm tuột dốc.
THANH TOÁN TRÁI PHIẾU BẰNG TÀI SẢN, GIA HẠN NỢ TỐI ĐA 2 NĂM
Một số nội dung quan trọng đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi trong nghị định này đó là cho phép doanh nghiệp được thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng tài sản khác.
Theo đó, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc.
Bộ Tài chính nêu rõ nguyên tắc thứ nhất, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên nghành và pháp luật có liên quan.
Nguyên tắc thứ hai phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận.
Nguyên tắc thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở của quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bộ Tài chính cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định quy định này.
"Thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản gặp khó khăn thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023, có doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản", Bộ Tài chính thông tin.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Theo đó, với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời hạn tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư.
"Đối với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư", theo dự thảo nghị định.
NGƯNG HIỆU LỰC MỘT SỐ QUY ĐỊNH
Cũng trong dự thảo này, một trong những điểm quan trọng của dự thảo là cho phép ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết 31/12/2023 theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính song chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Bộ Tài chính đề xuất ngưng hiệu lực thi hành quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Tài chính trình Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án, gồm cả phương án hoãn một năm như dự thảo và phương án tiếp tục thực hiện theo Nghị định 65.
Trên cơ sở các bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiêng về phương án 1, nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.
Tuy nhiên, "nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu", Bộ Tài chính lưu ý. Do đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thông tin, cảnh báo nhà đầu tư; đồng thời, tăng cường quản lý giám sát. Hiệu quả giải pháp này phụ thuộc phần lớn ý thức nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay mới có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện quy định này.
Dù vậy, Bộ vẫn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Cùng với đó, đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023.
Ngoài ra, việc hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối, huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.
CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CAO KIẾN NGHỊ GIÃN HOÃN NỢ
Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings, cho rằng những đề xuất như ngưng hiệu lực thi hành với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không quá 2 năm, hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đều có chung một mục đích, đó là hỗ trợ thanh khoản cho thị trường giai đoạn này và hỗ trợ để doanh nghiệp có thể xoay xở trong điều kiện thị trường khó khăn chung.
Trong đó, ông Khang đề cao kiến nghị hoãn giãn nợ tối đa 2 năm, đây là một trong những đề xuất hợp lý nhất vì doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị.
Tuy nhiên, hiện có những doanh nghiệp xin "khất" nợ gốc nhưng cũng chây ỳ không thanh toán lãi cho nhà đầu tư. Về vấn đề này, chuyên gia đến từ FiinRatings, cho rằng điều này tùy vào việc doanh nghiệp làm việc với trái chủ, có những những người đồng thuận có người không đồng thuận, cần phải trao đổi cụ thể trong hội nghị trái chủ.
Còn về đề xuất doanh nghiệp được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác, nhiều trái chủ lo ngại nhà phát hành gán nợ bằng những bất động sản đang xây dở dang, hoặc ở vị trí xa xôi, cũng vô cùng bất cập.
Bình luận về đề xuất này, ông Khang nhấn mạnh bên cạnh việc đả thông về thanh khoản cho doanh nghiệp, điều cấp thiết là cần hỗ trợ chính sách pháp lý liên quan đến dự án đang triển khai dở dang, đây là cơ sở để cả trái chủ lẫn tổ chức phát hành có cơ sở để làm việc rõ ràng hơn đối với người nắm giữ trái phiếu.
Giới phân tích cũng đặt nhiều kỳ vọng trong việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được Chính phủ thông qua sớm sẽ là giải pháp kịp thời, để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho thị trường. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định, bền vững. Đồng thời, có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.
Tuy nhiên, việc giải quyết trái phiếu chỉ là giải pháp trước mắt. Để giải quyết được vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản thì cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ pháp lý. Với riêng doanh nghiệp bất động sản, cần phải chủ động hạ giá bán sản phẩm, từ đó, có thể kích thích dòng tiền bắt đáy sẽ sớm tạo thanh khoản cho thị trường.
NÚT THẮT PHÁP LÝ "RỐI NHƯ TƠ VÒ"
Với riêng ngành bất động sản, một trong những ách tắc lớn được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ tháo gỡ để nguồn cung bùng nổ và tạo dòng tiền cho doanh nghiệp chính là khó khăn pháp lý được tháo gỡ.
Trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng tại Hội nghị Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững được tổ chức ngày 17/2 tới đây đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc tại rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện hoặc phải dừng triển khai thực hiện.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có khoảng trên 80% dự án trên số lượng 180 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Hà Nội có 50% dự án trên số lượng 170 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Đà Nẵng có 60% dự án trên số lượng 75 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Hải Phòng có 30% dự án trên số lượng 65 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Cần Thơ có 40% dự án trên số lượng 79 dự án nhà ở, khu đô thị, gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ rõ liên quan đến pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Chẳng hạn, liên quan đến pháp luật về đất đai, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do "quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường”, chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.
"Cơ quan chức năng ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường; nhiều trường hợp định giá cao hơn nhiều giá giao dịch thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện", Bộ Xây dựng nêu rõ.
Cùng với đó, nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng đất; về đền bù và giải phóng mặt bằng...
Bên cạnh đó, khó khăn khi doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; về giao đất, cho thuê đất dự án đối ứng BT; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; về cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trong dự án có điều chỉnh quy hoạch; về việc tách diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại thành dự án độc lập...
Về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng đối với các dự án thuộc địa bàn các phường của đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 đã được chấp thuận chủ trương trước thời điểm Nghị định 148/2020/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực...