Chuyên gia: "Bây giờ nói đến trái phiếu ai cũng chán, đó là lúc đầu tư rất tốt"
Lợi tức trái phiếu gấp đôi gửi ngân hàng với kỳ hạn tương đương, trên môi trường lãi suất đi xuống thì đó là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư thụ động. Bây giờ nói trái phiếu ai cũng chán, thì đó là lúc kênh đầu tư rất tốt...
Bình luận về kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 tại Tọa đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023" do FiinGroup phối hợp tổ chức cùng VnEconomy ngày 15/2, ông Đào Phúc Tường, Chuyên gia Tài chính cho rằng, kênh đầu tư trái phiếu vẫn là kênh đầu tư khá tốt, rất tốt cho năm 2023 và năm 2024.
Đơn giản là mặt bằng lãi suất đi xuống cộng thêm môi trường kinh doanh khó khăn nên những doanh nghiệp tốt cũng phải đẩy lãi suất huy động trái phiếu lên để đáp ứng hoạt động kinh doanh. Nhìn 2020-2021, đa phần trái phiếu đến tay nhà đầu tư lợi tức 8-9% lãi suất ngân hàng 6-7%, lợi nhuận bù rủi ro dao động từ 1-3% nhưng thời điểm hiện tại thì nhiều trái phiếu xác suất vỡ nợ cực thấp.
Lợi tức trái phiếu gấp đôi gửi ngân hàng với kỳ hạn tương đương, trên môi trường lãi suất đi xuống thì đó là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư thụ động. "Bây giờ nói trái phiếu ai cũng chán, thì đó là lúc kênh đầu tư rất tốt", ông Tường nhấn mạnh.
Điểm tích cực là theo kỳ vọng của ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hồi phục theo hình chữ L, đi ngang 1 thời gian trong vòng 12-18 tháng tới.
Theo ông Kháng, khi mọi thứ rõ ràng thì vấn đề liên quan đến sai phạm sẽ được xử lý rốt ráo, trái phiếu lúc đó sẽ trở về trạng thái bình thường, góc nhìn nhà đầu tư cá nhân cải thiện, số lượng sai phạm trên thị trường không nhiều. Thực tế, sau những ồn ào, nhiều doanh nghiệp đang đảm bảo thanh toán lãi và gốc rất đúng hạn.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới được đề xuất.
Các quy định mới này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN thông qua biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định pháp luật, như cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất, đa dạng hóa công cụ thanh toán, thanh toán trước hạn...
Cụ thể, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc: tuân thủ quy định pháp luật; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Thứ hai, Dự thảo mới quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn, tối đa 2 năm; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư này.
Mặt khác, dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thị hành với một số quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65/2022.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.
Quy định mới còn lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Cụ thể, theo Nghị định 65/2022, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, trong khi, Dự thảo Nghị định (sửa đổi) đề xuất, lùi tới đầu năm 2024.
Đồng thời dự thảo đề xuất ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Từ 1/1/2024 sẽ áo dụng quy định tại Nghị định 65 là 30 ngày.
Trước đó, báo cáo triển vọng thị trường vốn năm 2023 vừa công bố, FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 và 341,27 nghìn tỷ.
Theo FiinGroup, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.