07:48 20/06/2023

Sức mạnh của báo chí

Nguyễn Quốc Uy

Báo chí không chỉ là nguồn cung thông tin thuần túy, mà còn thẩm định và lọc thông tin; thực hiện chức năng phản biện và phản bác; xác lập và bảo vệ chủ quyền thông tin của quốc gia; đấu tranh thông tin; định hướng dư luận; cung cấp kiến thức; bảo vệ cái đúng và phê phán cái sai, vì lợi ích của dân tộc, của đất nước...

Trong một xã hội mà thông tin được đặt ra như một nhu cầu không thể thiếu, thì báo chí, với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng và là nguồn cung thông tin, luôn có vai trò hết sức trọng yếu. Không có báo chí, không thể tạo đủ nguồn cung để cân bằng cung – cầu thông tin cho xã hội. Nói cách khác, sự thiếu vắng báo chí sẽ tạo ra khoảng trống thông tin trong xã hội, làm cho xã hội “mù” thông tin và hẳn nhiên xã hội không thể phát triển.

Báo chí không chỉ là nguồn cung thông tin thuần túy, mà còn thẩm định và lọc thông tin; thực hiện chức năng phản biện và phản bác; xác lập và bảo vệ chủ quyền thông tin của quốc gia; đấu tranh thông tin; định hướng dư luận; cung cấp kiến thức; bảo vệ cái đúng và phê phán cái sai, vì lợi ích của dân tộc, của đất nước...

Ở nhiều quốc gia, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư”, sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Báo chí đã thể hiện được sức mạnh khủng khiếp của nó, khi trong nhiều trường hợp, làm phá sản một doanh nghiệp, làm khuynh đảo một lĩnh vực thuộc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của một quốc gia, thậm chí làm khuynh đảo cả một quốc gia, buộc giới cầm quyền ở đó phải điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách, có khi phải rời bỏ quyền lực.

Báo chí có được sức mạnh đó, bởi lẽ nó không chỉ thực hiện chức năng truyền tải thông tin tới công chúng, đáp ứng một cách nhanh nhất và chính xác nhất nhu cầu cần biết của công chúng về những gì đã, đang hoặc sắp xảy ra, mà còn cổ vũ, hướng dẫn và tổ chức quần chúng hành động.

Đó chính là chức năng tư tưởng – một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí. Thông tin từ báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm của quần chúng, góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành động của họ.

Thực tế cho thấy, trong mọi cuộc cạnh tranh, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, ai nắm được thông tin trước, chính xác và đầy đủ hơn, làm chủ được thông tin,  nhất là giữ vai trò chi phối thông tin, người ấy thường giành phần thắng.     

Cách đây hơn một trăm năm, khi nói về vai trò của báo chí do Đảng Bolshevich Nga lập ra trong Cách mạng vô sản Nga, V.I. Lenin đã coi nó  “là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”, và chỉ rõ: “Tờ báo không phải chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ vũ tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể”. Báo chí của Đảng Bolshevich Nga đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng vô sản Nga mà đỉnh cao là “Mười ngày rung chuyển thế giới”, như lời mô tả của nhà báo Mỹ John Reed trong thiên phóng sự chính trị 12 chương của ông viết về Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.

NHỮNG ĐÓNG GÓP VÔ GIÁ CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Bằng việc sáng lập tuần báo Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mà số đầu tiên được xuất bản ngày chủ nhật 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặt “viên gạch” đầu tiên tạo dựng nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam hình thành, trưởng thành và phát triển.

Chỉ còn hai năm nữa, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tròn một trăm tuổi. Trải qua gần trăm năm ấy mà buổi ban đầu, khi còn vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn,… được đặt dưới sự dìu dắt, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ cách mạng tiền bối khác, rồi tiếp đó,  kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), được Đảng trực tiếp lãnh đạo và rèn luyện, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, ngày càng phát triển cả về đội ngũ cũng như về số lượng cơ quan báo chí và loại hình báo chí, với trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thực sự trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Ở Việt Nam, báo chí chính thống (được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động) là một bộ phận cấu thành và không thể tách rời của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Phải xác định điều đó để cảnh giác trước các luận điệu đòi “báo chí độc lập”.

Theo số liệu chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2022, nước ta có 869 cơ quan báo chí được cấp phép. Tất cả đều thuộc các tổ chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội nghề nghiệp,… với khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 19.356 trường hợp được cấp Thẻ Nhà báo. Đây chính là “binh chủng” truyền thông đa phương tiện cực mạnh của quốc gia, với những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại vào loại bậc nhất mà nước ta có được, tạo ra sức mạnh truyền thông cộng hưởng, đủ sức làm chủ trận địa thông tin, giữ vai trò chi phối thông tin, với vị thể là nguồn thông tin chính thức, chính thống và có thẩm quyền ở Việt Nam.

Lịch sử đã ghi nhận những đóng góp vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt cuộc trường chinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gần trăm năm qua.

Để có được những tác phẩm báo chí phản ánh rất kịp thời và sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta, có sức cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh để giành thắng lợi cuối cùng trong các cuộc chiến tranh, mà nhiều tác phẩm đã trở thành những tư liệu lịch sử cực kỳ quý giá, hàng trăm nhà báo và nhân viên kỹ thuật báo chí đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, cũng như làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.

Theo danh sách được Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam thẩm định và đưa vào tôn vinh năm 2019, đã có 511 nhà báo và nhân viên kỹ thuật báo chí hy sinh trong chiến tranh. Đây chưa phải là con số cuối cùng, vì còn rất nhiều người hy sinh chưa xác định được thông tin.

SỨC MẠNH MỘT BÀI BÁO

Trong nghề báo, có lẽ khó nhất và giá trị nhất là tạo ra những tác phẩm báo chí có tính phát hiện – phát hiện những cái hay, cái mới, cái lạ, cái có giá trị... để tìm hiểu, để biểu dương, để làm theo, hoặc những cái lạc hậu, cái xấu, cái tiêu cực… để khắc phục, để cải tạo hoặc để đấu tranh phản bác.

Những thuật ngữ trong nghề như “săn tin” hoặc “săn ảnh” là để chỉ hoạt động tác nghiệp của nhà báo nhằm tìm ra sự thật liên quan đến một vấn đề được xã hội quan tâm mà người ta cố tình giấu kín, hoặc chưa công khai. Các phóng sự điều tra thành công, có sức lôi cuốn bạn đọc, với những thông tin hết sức có giá trị trong việc làm sáng tỏ sự thật, thường do những “thợ săn” với  bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn, thực hiện một cách hết sức công phu và có trách nhiệm. Có những tác phẩm báo chí phải đổi bằng rất nhiều mô hôi, công sức, trí tuệ và thậm chí cả máu và nước mắt.

Trong đấu tranh chống tiêu cực, có những tác phẩm báo chí được đông đảo bạn đọc đón nhận, nhờ phản ánh đúng sự thật mà người dân mong chờ, góp phần giải tỏa bức xúc của họ, và hơn thế nữa, góp phần cải tạo thực tiễn khi các cơ quan liên quan buộc phải vào cuộc giải quyết vấn đề.

Những tác phẩm báo chí như thế “có sức nặng như búa tạ giáng vào tệ nạn tiêu cực”, nhà báo lão thành Nguyễn Văn Trường (năm nay 90 tuổi), nguyên Trưởng ban biên tập Tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuần Tin tức, đã mô tả như vậy khi nhớ lại cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí của ta giữa những năm 1980.

 Theo lời kể của ông, hồi đó Than là ngành công nghiệp quan trọng để khôi phục kinh tế, nhưng lại rơi vào tình trạng sản xuất khó khăn, có nguy cơ ngừng trệ do rất nhiều nguyên nhân. Phóng viên Tuần Tin tức Vũ Duy Thông (về sau trở thành Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên Giáo Trung ương, đã mất cách đây ít năm) tìm ra “nút thắt” của vấn đề là yếu tố con người, nhờ phát hiện ra một sự thật là đời sống công nhân mỏ sụt giảm, khi đường, sữa bồi dưỡng ca ba được thay bằng thuốc lá hoặc hàng tiêu dùng khác. Nhà báo Nguyễn Văn Trường mô tả:  Bài điều tra “Ngành than trước ngưỡng báo động” của Vũ Duy Thông, đăng trên Tuần Tin tức, đã như “nồi hơi” bật nổ trong hàng vạn công nhân mỏ. Tuần Tin tức không in kịp báo để bán, dù máy in đã chạy hết công suất. Công nhân mỏ phải sao chép truyền tay nhau đọc bài báo phản ánh đúng vấn đề họ quan tâm.

Bài báo “phơi sáng” những bê bối trong quản lý của ngành Than, khiến đời sống công nhân khốn khó, sản xuất sa sút, trong khi do bệnh thành tích, báo cáo lên cấp trên thiếu trung thực… Vì thế, nó tạo được sự rung chuyển trong công luận, buộc những người có trách nhiệm phải vào cuộc.

Theo nhà báo Nguyễn Văn Trường, ông Lê Đại, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, sau khi đọc bài báo, nói: “Nếu đúng như thế này thì phải xin lỗi công nhân”, rồi chỉ thị cho lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức hội nghị tại chỗ về đời sống công nhân ở mỏ Mông Dương, nơi “nóng” nhất. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đỗ Mười “triệu” Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về báo cáo tình hình mà bài báo phản ánh. Bộ Nội thương đã cử ngay thanh tra về điều tra, kết luận đúng sai, về thực trạng đời sống công nhân mỏ…

Sức mạnh của bài báo là ở chỗ nó phát hiện và phanh phui được một sự thật làm điêu đứng hàng vạn công nhân mỏ, làm trì trệ cả một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước,  buộc những người có trách nhiệm phải vào cuộc giải quyết.

Không thể phủ nhận sức mạnh của báo chí. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là bạn đọc. Chính sự đón đọc nhiệt tình của đông đảo bạn đọc đã cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho báo chí. Không có bạn đọc, báo chí không có lý do để tồn tại. Báo chí luôn biết ơn bạn đọc, vì lẽ đó.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sức mạnh của báo chí - Ảnh 1