07:00 09/09/2023

Tâm sự của một nghệ nhân làng thêu Quất Động

Trà Giang
Hàng trăm năm qua, nghề thêu tay luôn được những người con làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) gìn giữ và phát triển, nơi đây được biết đến là cái nôi của nghề thêu truyền thống. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những bức tranh thêu vẫn vẹn nguyên giá trị vừa hoài cổ vừa thân quen...

Thời xa xưa, làng Quất Động chỉ thêu chủ yếu phục vụ cung đình và tầng lớp quý tộc cũng như các sản phẩm trang trí trong đền chùa và phường tuồng. Người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay phục vụ cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa cùng các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa.

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ có bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt nhạy bén và bộ óc sáng tạo, cộng với đức tính cần mẫn, kiên trì. Dù cho hiện nay, khoa học công nghệ rất phát triển, nhưng không một cỗ máy hiện đại nào có thể thay thế được những đường nét tinh xảo và tài hoa từ bàn tay của các nghệ nhân thêu tranh tay. Chúng như chứa đựng cả tình cảm và tâm hồn của người thêu trong đó.

Đặc biệt, với nghệ nhân Hoàng Thị Khương (sinh năm 1965), việc gắn bó với nghề thêu tranh không chỉ là đam mê mà còn là số mệnh. "Từ nhỏ tôi đã bị bại liệt một bên chân do một trận sốt lúc ba tháng tuổi. Tôi lớn lên bên khung thêu của mẹ. Vì thế tôi nghĩ ngã ở đâu mình đứng lên ở đó. Tôi sẽ phát triển bản thân chính từ nghề đã nuôi lớn tôi...," bà Khương nói.

Trải qua nhiều năm làm nghề, bà nắm giữ những kỹ thuật thêu khó, phức tạp gồm: thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến... trong đó công phu nhất là hai kỹ thuật thêu độn nổi và kim tuyến, đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét; hình thức phải cân đối, sáng tươi…

Những sản phẩm của công ty bà Khương chủ yếu là tranh thêu tay với chất liệu chỉ tơ, chỉ cotton. Tháng 6/2023 vừa qua, bà Hoàng Thị Khương vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/2/1948 - 11/6/2023).

Không giữ nghề riêng cho mình, bà Khương còn mở lớp dạy thêu miễn phí cho những người yêu nghề hoặc những người khuyết tật cần tìm sinh kế.
Không giữ nghề riêng cho mình, bà Khương còn mở lớp dạy thêu miễn phí cho những người yêu nghề hoặc những người khuyết tật cần tìm sinh kế.

Bà Khương có nhiều giải thưởng tại nhiều cuộc thi về sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các tác phẩm tiêu biểu như: Tranh thêu Văn Miếu; Tranh thêu chân dung Bác Hồ; Tranh thêu Chùa Thầy; Tác phẩm "Sơn thuỷ hữu tinh"; Hoa vẽ bằng sợi chỉ; Tranh thêu đồng quê; Tranh thêu trước cổng Đền Hùng; Tranh thêu Hồ Gươm; Tranh Chùa Một Cột; Tranh thêu "Bác Hồ làm việc"... Hầu hết tất cả các bức tranh thêu mang đi thi hay triển lãm, bà Khương đều giữ lại không bán. Đặc biệt, tác phẩm "Sơn thuỷ hữu tình" dù đã được trả mức giá lên đến 500 triệu đồng, nhưng bà Khương vẫn quyết tâm giữ lại như một tác phẩm “để đời”.

Không giữ nghề riêng cho mình, bà Khương còn mở lớp dạy thêu miễn phí cho những người yêu nghề hoặc những người khuyết tật cần tìm sinh kế, sau đó tạo công ăn việc làm cho họ ngay tại công ty. Tâm sự về nghề, bà Khương trăn trở về việc người khuyết tật trong công ty và lớp học của mình chỉ có thể làm việc 2 – 3h/ngày. “Vì thế lương tháng của họ không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội. Tôi rất hy vọng nhà nước tạo điều kiện sửa đổi một số điều khoản trong luật dành cho lao động là người khuyết tật để chúng tôi yên tâm làm nghề”.

Video xem nhiều