Vì sao miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp thứ 4?
Quy trình bầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào chiều 21/10...
Tại họp báo về Dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 17/10, trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết tại kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định về công tác nhân sự.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trình tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 – ông Nguyễn Văn Thể.
Về nguyên nhân, ông Cường cho biết việc miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là theo “nguyện vọng cá nhân". Ông nhấn mạnh đây là "việc sắp xếp nhân sự bình thường của Chính phủ".
Ngoài Bộ trưởng Giao thông vận tải, dự kiến vào cuối phiên làm việc chiều 20/10, Quốc hội sẽ họp riêng và nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 – ông Trần Sỹ Thanh. Ông Thanh hiện đã giữ chức Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Sau đó, vào sáng 21/10, Quốc hội tiếp tục quy trình nhân sự với việc bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó sẽ trình Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng trình Quốc hội về việc đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Long bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế và bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao giữ vị trí Quyền Bộ trưởng Y tế.
Quy trình bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào chiều cùng 21/10.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại kỳ họp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Về công tác giám sát, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Một số vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được xem xét thảo luận tại kỳ họp.
Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.