Buồn vui chuyện của những nông dân tỷ phú: Người phá sản, người vượt qua được đại dịch Covid -19
Sản xuất nông nghiệp rất nhiều rủi ro. Có nông dân tỷ phú, nay đã trở thành tay trắng…
Một trong những câu chuyện ngậm ngùi được các thành viên Ban tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam chia sẻ khi kể về những kỷ niệm buồn vui với những điển hình nông dân xuất sắc toàn quốc là trường hợp nông dân Tô Hiến Thành ở Bắc Giang. Từng là nông dân xuất sắc toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Tự hào nông dân Việt, nhưng đáng tiếc, không lâu sau trang trại nuôi lợn của anh Thành bị dịch bệnh tấn công, khiến anh bị phá sản nên hiện anh Thành không theo nghề nuôi lợn nữa và đang bắt đầu lại từ đầu.
CHUYỆN VỀ NHỮNG NÔNG DÂN TỶ PHÚ
Tại buổi họp báo Chương trình Tự hào Nông dân Việt năm 2022, do Trung ương Hội Nông dân tổ chức, phóng viên VnEconomy đặt câu hỏi: “Trong 10 lần tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, Ban tổ chức có những kỷ niệm nào ấn tượng nhất về các nông dân được tôn vinh và nông dân ấn tượng và vì điều gì?”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trả lời rằng: "Tôi có rất nhiều ấn tượng với những nông dân được tôn vinh, có những người phải bán hết tài sản để có vốn sản xuất kinh doanh. Có những người có bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ quay về làm nông nghiệp và họ rất thành công. Nhưng tôi rất ấn tượng nhất với nông dân Phạm Ngọc Thạch ở Lâm Đồng".
"Trong 10 năm qua có 698 nông dân Việt Nam xuất sắc được tôn vinh trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam. Theo thể lệ quy định của chương trình, cứ sau 3 năm, nông dân Việt Nam xuất sắc nào giữ vững thành tích, có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước sẽ được đề cử tôn vinh lần 2".
Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam.
Dẫn lời kể của anh Thạch, từ cách đây 15 năm, khi còn làm trong 1 doanh nghiệp, tuần nào anh Thạch cũng ngồi uống cà phê đếm xe chở nông sản. Bình quân mỗi ngày có 15 xe tải chở nông sản và anh ước mơ mỗi ngày có 1 xe chở đến để bán, nhẩm tính 1 tháng sẽ thu 400 triệu đồng. Sau 1 tuần nghiên cứu, anh Thạch quyết định bỏ doanh nghiệp về Lâm Đồng mua đất để làm trang trại.
"Từ một người chưa hề có kiến thức trong nông nghiệp, sau 15 năm anh Thạch đã xây dựng được chuỗi cửa hàng nông sản sạch. Hiện nay, anh đã có hàng trăm gian hàng nông sản đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, anh Thạch còn xây dựng vùng nguyên liệu sạch và đặc biệt tạo công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng",ông Sơn kể.
Ông Lưu Quang Định, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt lại ấn tượng sâu sắc với nông dân Võ Quang Huy ở Long An, với mô hình trồng chuối xuất khẩu. Ông Huy được mệnh danh là người có nhiều đất nhất miền Tây, với 3.000ha đất. Mặc dù trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của Covid-19, nhưng mô hình trồng chuối xuất khẩu của ông "Út Huy" vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng.
Một nông dân nữa ông Định cũng rất ấn tượng là anh Nguyễn Đăng Cường ở Bắc Ninh. Khi được tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc, anh Cường chỉ có 2ha đất, chủ yếu nuôi vịt trời. Sau đó mô hình của anh Cường đã được nhiều người biết đến, nhiều đoàn đến thăm quan, học hỏi. Hiện nay, mô hình của anh Cường có tổng diện tích lên tới 40ha gồm nuôi vịt trời, trồng dưa và sản xuất phân bón hữu cơ...
"Bên cạnh niềm vui được tôn vinh, thì cũng có những câu chuyện buồn”, ông Lưu Quang Định cho biết và kể về trường hợp nông dân Tô Hiến Thành ở Bắc Giang. Anh Thành rất giỏi nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất.
Tại Diễn đàn nông dân Quốc gia năm đó, sau khi chia sẻ việc thiếu vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ định cho nông dân vay vốn. Sau đó anh Thành làm ăn rất tốt.
“Đáng tiếc là không lâu sau, trang trại nuôi lợn của anh Thành bị dịch bệnh tấn công, thiệt hại nặng nề. Hiện, anh Thành không theo nghề nuôi lợn nữa và đang loay hoay bắt đầu lại từ đầu", ông Lưu Quang Định chia sẻ.
“HÁI RA TIỀN” TỪ NHỮNG DỰ ÁN ĐÔ THỊ BỎ HOANG
Tại buổi họp báo, chúng tôi cũng vô cùng ấn tượng khi nghe một nông dân ở đến từ huyện Đan Phượng (Hà Nội) đăng đàn phát biểu. Đó là nông dân Trần Văn Thắng, dù không sở hữu diện tích đất trồng cỏ nào nhưng một nông dân ở huyện ngoại thành Hà Nội hằng năm vẫn nuôi, bán ra thị trường khoảng 1.000 con bò thương phẩm, thu về 65 tỉ đồng nhờ... những dự án bỏ hoang.
Ông Thắng là nông dân nuôi bò có doanh thu cao nhất trong số 100 nông dân được bình chọn xuất sắc nhất năm 2022.
Chăn nuôi bò thịt nếu có quy mô đàn 100 con trở lên, thì cần phải có hàng chục ha đất để trồng cỏ nuôi bò, nhưng ông Thắng không có một tấc đất nào để trồng cỏ, mà chỉ có 1.000 m2 đất để làm chuồng bò.
Ông Thắng kể: từ cách đây hơn chục năm, khi nhìn thấy hầu hết ruộng ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm bị thu hồi, không còn được dùng để canh tác. Rất nhiều khu ruộng sau khi thu hồi, thuộc về các dự án xây khu đô thị nhưng bị bỏ hoang suốt nhiều năm, cỏ mọc đầy trên những lô đất đó. "Tiền ở đấy chứ đâu!", ông Thắng nói và thế là ông đầu tư vào nuôi bò. Hàng ngày, dẫn đàn bò đến các khu đất bỏ hoang để bò ăn cỏ.
Trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 có 81 người là nam, 19 người là nữ; có 15 người là dân tộc thiểu số. Người nhỏ tuổi nhất là anh Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1991) ở Phú Thọ với mô hình chế biến lâm sản, sản xuất đũa tre xuất khẩu; người lớn tuổi nhất là ông Lê Văn Sáu (sinh năm 1944) ở Hậu Giang với mô hình trồng cây ăn trái. Nông dân có doanh thu cao nhất trong số 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 là anh Trần Văn Thắng (Đan Phượng, Hà Nội).
Ông Thắng cho biết cách đây 12 năm, ông khởi nghiệp chăn nuôi bò nhỏ lẻ. Đến năm 2014, ông Thắng được bình chọn là nông dân xuất sắc toàn quốc. Đến năm 2016 ông được Thủ tướng tặng bằng khen Nông dân yêu nước.
"Tôi suy nghĩ, đạt được danh hiệu đã khó, nhưng giữ được danh hiệu còn khó hơn nên trong những năm qua, tôi không ngừng nỗ lực phấn đấu và tự bỏ tiền đi Úc, Thái Lan học hỏi kinh nghiệm nuôi bò để mang về áp dụng vào mô hình của mình", ông Thắng chia sẻ.
Từ năm 2014 - 2019, ông thường xuyên duy trì nuôi từ 200 - 300 con bò thương phẩm và 50 con bò nái, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân. Năm 2020-2021, do dịch Covid-19 nên chỉ nuôi cầm chừng 50 con bò nái. Đến năm 2022, dịch bệnh kết thúc, ông Thắng bắt đầu tái đàn, đến nay có 200 con bò thương phẩm.
Thực ra với 50 con bò nái, thì lượng bê sinh sản hàng năm không nhiều. Cách thu lợi nhuận cao chủ yếu là vỗ béo bò thịt, mỗi lứa ông mua 300 con bò choai, trọng lượng khoảng 250-300 kg về, nuôi vỗ béo 3 tháng thì xuất bán, khi đó bò có trọng lượng từ 350- 450 kg. Bình quân mỗi năm, ông Thắng xuất bán 4 lứa bò với tổng số trên 1000 con, đạt doanh thu 65 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi thực tế gần 4 tỷ đồng/năm.
10 NĂM CÓ 698 NÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT SẮC ĐƯỢC TÔN VINH
Theo Ban Tổ chức, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2022 cùng các chuỗi sự kiện bên lề sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/10 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong đó, các sự kiện chính là: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; Nông dân Việt Nam xuất sắc tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội, thăm tòa nhà Quốc hội và Hoàng thành Thăng Long; Gala 10 năm chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam: Một thập kỷ xanh.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức sẽ ra mắt cuốn Đặc san 10 năm Tự hào Nông dân Việt Nam; chương trình giao lưu với Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bắc Giang trong 10 năm qua; đưa nông dân đi tham quan, học tập tại Israel (dự kiến vào đầu năm 2023).
Trước đó, trong khuôn khổ của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2022, Ban Tổ chức đã tiến hành họp bình chọn và công nhận 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, tổ chức thành công Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp.
Trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 có 81 người là nam, 19 người là nữ; có 15 người là dân tộc thiểu số. Người nhỏ tuổi nhất là anh Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1991) ở Phú Thọ với mô hình chế biến lâm sản, sản xuất đũa tre xuất khẩu; người lớn tuổi nhất là ông Lê Văn Sáu (sinh năm 1944) ở Hậu Giang với mô hình trồng cây ăn trái (sầu riêng).
Phân loại theo lĩnh vực có 32 nông dân thuộc lĩnh vực trồng trọt; 25 nông dân thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 10 nông dân có thành tích nổi bật trong liên kết sản xuất, hợp tác xã; 8 nông dân có thành tích trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc; 25 nông dân được vinh danh trong lĩnh vực phát minh sáng kiến, chuyển đổi số và khởi nghiệp.
Nông dân có doanh thu cao nhất trong số 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 là anh Trần Văn Thắng (Đan Phượng, Hà Nội) với 65 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi bò.