Trở thành chủ tịch Samsung Electronics, “thái tử” Samsung đối mặt thách thức gì?
Samsung Electronics vừa chính thức bổ nhiệm ông Lee Jae-yong, 54 tuổi, trở thành Chủ tịch công ty, hợp thức hóa vai trò lãnh đạo toàn diện từ lâu của của ông tại tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc...
Ông Lee Jae-yong, trước đây thường được gọi là “thái tử Samsung”, là cháu nội của nhà sáng lập tập đoàn Samsung và con trai của ông Lee Kun Hee – người qua đời vào tháng 10/2020 năm ngoái.
Theo tờ Wall Street Journal, từ năm 2014, khi cha bị đột quy năm 2014, ông Lee đã bắt đầu giữ vai trò lãnh đạo tại tập đoàn Samsung, bao gồm công ty con lớn nhất Samsung Electronics. Tất cả mọi quyết định tại các công ty con của Samsung, từ công viên giải trí cho tới bảo hiểm nhân thọ, dược phẩm sinh học đều cần tới chữ ký của ông.
Hội đồng quản trị của Samsung Electronics ngày 27/10 cho biết đã bổ nhiệm chức danh này cho ông Lee trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu có nhiều bất ổn và do đó đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn.
Trước đó, một loạt rắc rối pháp lý đã cản trở con đường trở thành người đứng đầu tập đoàn của ông Lee. Năm 2017, người thừa kế Samsung bị kết án 2 năm rưỡi tù liên quan tới tội hối lộ người thân cận của cựu Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye. Sau khi thụ án tổng cộng 18 tháng tù, tháng 8/2021, ông được Tổng thống ân xá và xóa án tích.
CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ
Theo Wall Street Journal, chức danh Chủ tịch chính thức hóa vai trò của ông tại Samsung nhưng không giải quyết được mối lo ngại của các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp - những người từ lâu chỉ trích cấu trúc phức tạp và quy trình ra quyết định tại tập đoàn này.
"Giờ là lúc chúng ta lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo. Bây giờ là lúc để hành động, quyết liệt và kiên định với trọng tâm của chúng ta"
Ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung Electronics
Các chuyên gia vốn băn khoăn về việc tại sao ông Lee có thể ra lệnh cho các công ty con khác nhau của tập đoàn Samsung từ vị trí Phó chủ tịch Samsung Electronics. Họ cũng quan ngại rằng sự vắng mặt của ông khỏi Hội đồng Quản trị công ty đồng nghĩa rằng các quyết định của ông sẽ kém minh bạch hơn và ít hướng tới những băn khoăn cũng như phiếu bầu của cổ đông.
“Ở góc độ trách nhiệm giải trình thì điều này thật tệ”, bà Yoo-Kyung Park, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quản trị và đầu tư có trách nhiệm tại quỹ hưu trí Hà Lan APG - một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn của Samsung Electronics, nói khi đề cập tới việc ông Lee vẫn chưa được đưa vào Hội đồng Quản trị công ty.
Người phát ngôn của Samsung cho biết Hội đồng Quản trị sẽ quyết định có đề cử ông Lee làm làm thành viên hội đồng quản trị hay không.
Còn theo giáo sư về doanh nghiệp Chang Sea-jin tại Đại học Quốc gia Singapore - người đã viết sách về Samsung và sự trỗi dậy của tập đoàn này, quyền lực của ông Lee đối tại tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc nhìn chung có vấn đề.
“Samsung là một tổ chức mang tính tập trung về mặt chiến lược và mọi người đều trông đợi những gì chủ tịch nói cho những quyết định lớn. Nhưng đây nên là việc của các nhà quản lý chuyên nghiệp và CEO tại mỗi công ty con”, ông Chang nói.
TRÔNG CHỜ VÀO KẾ HOẠCH CHO TƯƠNG LAI
Theo ông Kim Kyeong-jun, chủ tịch của công ty CEO Score tại Seoul, việc ông Lee chính thức “lên ngôi” làm dấy lên kỳ vọng rằng ông sẽ tích cực hơn trong việc thúc đẩy các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn, đồng thời ra quyết định về việc chuẩn bị cho các mảng kinh doanh mới của Samsung trong tương lai.
“Giờ là lúc chúng ta lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo. Bây giờ là lúc để hành động, quyết liệt và kiên định với trọng tâm của chúng ta”, ông Lee phát biểu trong cuộc họp với các thành viên Hội đồng Quản trị Samsung trong một cuộc họp đầu tuần này. Bài phát biểu này được chia sẻ với nhân viên tập đoàn trên trang web nội bộ của công ty ngày 27/10.
Tuyên bố bổ nhiệm ông Lee làm chủ tịch Samsung Electronics được đưa ra giữa lúc công ty điện tử khổng lồ này vừa báo cáo lợi nhuận ròng quý 3 giảm 24% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu chip nhớ sụt giảm.
Samsung Electronics đang nỗ lực để đạt giành chỗ đứng lớn hơn trong mảng sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng hiện đang do công ty Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. thống trị, đồng thời tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu mảng chip nhớ của mình. Công ty này hiện là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích, gã công nghệ khổng lồ Hàn Quốc cũng phải đặc biệt quan tâm tới tình hình căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới chất bán dẫn do công ty này có lợi ích kinh tế từ cả hai bên.
Ngoài ra, Samsung Electronics đang đối mặt nhiều thách thức trên thị trường di động thông minh đang dần bão hòa. Công ty này hiện đang hướng nhiều nguồn lực hơn vào việc xây dựng một hệ sinh thái bao gồm điện thoại thông minh, thiết bị di động và thiết bị gia dụng, cùng với đó là phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.