17:53 27/03/2024

Thanh Hóa đang đứng ở đâu trong bản đồ đổi mới sáng tạo quốc gia?

Song Khánh

Thanh Hóa xếp hạng 30 trên 63 tỉnh thành, đây là vị trí tương đối thấp so với tiềm lực và các điều kiện kinh tế, xã hội của Thanh Hóa. Đáng chú ý, Thanh Hóa nhiều năm trở lại đây là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách nhà nước, quy mô nền kinh tế thuộc TOP 10 cả nước...

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index). Bộ chỉ số cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. 

Bộ chỉ số cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ & và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Dựa trên bộ chỉ số, các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

THỨ HẠNG CỦA THANH HÓA ĐỨNG GIỮA BẢNG XẾP HẠNG

Các địa phương sẽ được chấm điểm dựa trên 7 trụ cột tính cả đầu vào và đầu ra, với 52 chỉ số thành phần. Các chỉ số đầu vào thể hiện năng lực, tiềm lực khoa học công nghệ địa phương. Chỉ số đầu ra thể hiện việc chuyển đổi của tiềm lực khoa học công nghệ thành các tác động xã hội, kết quả phát triển kinh tế xã hội địa phương đó.

Trong đó 5 trụ cột đầu vào (Thể chế; Cơ sở hạ tầng; Vốn con người và nghiên cứu & phát triển; Trình độ phát triển của doanh nghiệp; Trình độ phát triển của thị trường), và 2 trụ cột đầu ra (Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tính tác động). Điểm số của các nhóm chỉ số sẽ bằng trung bình cộng điểm số của các chỉ số thành phần của nó. Điểm số của trụ cột sẽ bằng trung bình cộng điểm số của các nhóm trụ cột trong nó. Điểm số tổng hợp được dùng để xếp hạng các địa phương.

Theo đó, Thanh Hóa có điểm số PII đạt 37,32, xếp hạng 30 trong số 63 tỉnh thành cả nước. Trong đó Đầu vào đổi mới sáng tạo đạt điểm số: 38,91, Đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 35,75.

Tại khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 2. Đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ là Thừa Thiên Huế có điểm số là 44,01, xếp thứ 14 cả nước. Xếp sau Thanh Hóa là Nghệ An, có điểm số 36,52, xếp hạng 33 cả nước. Tiếp theo là Hà Tĩnh có điểm số là 33,76 xếp hạng 44. Quảng Bình có điểm số là 30,42 xếp hạng 51. Trong khi đó, Quảng Trị đạt 29,52 điểm, xếp hạng 55 cả nước.

Trong bảng xếp hạng 10 địa phương dẫn đầu gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 5 tỉnh Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Đây đều là các tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Danh sách top 10 cũng là các địa phương dẫn đầu theo vùng kinh tế xã hội với cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển thị trường, doanh nghiệp rất cao so với mặt bằng chung cả nước.

Vốn con người và nghiên cứu phát triển (R&D) của họ cũng vượt trội so với các địa phương khác do tập trung nhiều trường đại học, tổ chức nghiên cứu. Tức các địa phương này có đầu vào đổi mới sáng tạo thuận lợi, giúp chuyển hóa thành các kết quả đầu ra cao so với các địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành  Sầm Sơn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành  Sầm Sơn

10 địa phương thuộc nhóm cuối gồm Cao Bằng (xếp hạng 63), Lai Châu (hạng 62), Gia Lai (hạng 61), Hà Giang (hạng 60), Điện Biên (hạng 59), Yên Bái (hạng 58), Sơn La (hạng 57), Bắc Kạn (hạng 56), Quảng Trị (hạng 55), Đắk Nông (hạng 54). Các địa phương này có điểm hạn chế chung trong phát triển kinh tế, xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

THỨ HẠNG CHƯA TƯƠNG XỨNG

Như đã thông tin, với điểm số 37,32, xếp hạng 30 trên 63 tỉnh thành, rõ ràng đây là điểm số và vị trí tương đối thấp so với tiềm lực và các điều kiện kinh tế, xã hội của Thanh Hóa. Đáng chú ý, Thanh Hóa nhiều năm trở lại đây là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách nhà nước, quy mô nền kinh tế thuộc TOP 10 cả nước. Các chỉ số cải cách hành chính (PAPI), chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số chuyển đổi số (DTI) tương đối cao so với bình diện chung cả nước.

Đi vào từng chỉ số thành phần, có thể thấy tại chỉ số trụ cột đầu vào liên quan đến Thể chế, Thanh Hóa đạt 57,24 điểm. Đối với nhóm tham số về Môi trường chính sách Thanh Hóa đạt 77,63 điểm. Cụ thể, Chính sách thúc đẩy Khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH đạt 39,64 điểm. Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,92 điểm. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,76 điểm. Đối với nhóm tham số về Môi trường kinh doanh Thanh Hóa đạt 36,85 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Vốn con người và nghiên cứu và phát triển Thanh Hóa đạt 25,31 điểm. Trong đó chỉ số về giáo dục đạt 33,53 điểm; chỉ số về Nghiên cứu và phát triển đạt 17,09 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Cơ sở hạ tầng Thanh Hóa đạt 41,86 điểm. Trong đó, Hạ tầng ICT đạt 49,24 điểm; Hạ tầng chung và môi trường sinh thái đạt 34,48 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Trình độ phát triển của thị trường Thanh Hóa đạt 40,16 điểm. Trong đó, tham số Tài chính và đầu tư đạt 37,62 điểm; tham số Quy mô thị trường đạt 42,70 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Trình độ phát triển của doanh nghiệp Thanh Hóa đạt 29,97 điểm. Trong đó tham số Lao động có kiến thức đạt 43,02 điểm; tham số Liên kết sáng tạo đạt 13,42 điểm, tham số Hấp thu tri thức đạt 33,45 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu ra Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ Thanh Hóa đạt 18,36 điểm. Trong đó, tham số Sáng tạo tri thức đạt 20,68 điểm; tham số Tài sản vô hình đạt 11,27 điểm; tham số Lan tỏa tri thức đạt 23,13 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu ra Tác động Thanh Hóa đạt 53,10 điểm. Trong đó tham số Tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 46,88 điểm; tham số Tác động đến kinh tế - xã hội đạt 59,31 điểm.

ĐÂU LÀ ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU CỦA THANH HÓA

Bản báo cáo đã chỉ ra 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của chỉ số Đổi mới sáng tạo tại Thanh Hóa.

Về điểm mạnh, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được đánh giá cao với giá trị 6,76, điểm số đạt 88,56. Bên cạnh đó, Tỷ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi của doanh nghiệp đạt giá 9,42% với điểm số đạt 66,97 điểm.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt giá trị 2% với điểm số là 54,26 điểm cũng được xem là điểm mạnh của địa phương.

Tốc độ tăng năng suất lao động và Tốc độ giảm nghèo hàng năm cũng được báo cáo đánh giá là điểm mạnh của tỉnh Thanh Hóa.

Mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới tại huyện Nga Sơn mang lại thu nhập cao cho nông dân địa phương
Mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới tại huyện Nga Sơn mang lại thu nhập cao cho nông dân địa phương

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế của tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý Chi phí gia nhập thị trường còn cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tham số Cạnh tranh bình đẳng cũng được xem là điểm hạn chế nổi bật của tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, Chi cho GD&ĐT bình quân 1 người đi học là 16 triệu đồng, đạt 21,65 điểm cũng được xem là hạn chế. Ngoài ra Đơn đăng kí nhãn hiệu tập thể/10,000 dân chỉ đạt 0,07% cũng là một hạn chế đáng kể của địa phương.

Đáng lưu tâm, Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên/tổng số xã chỉ đạt 0,10 điểm giá trị cũng là một điểm hạn chế đáng kể trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương này.

Tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết cho biết đây là công cụ định lượng mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển từng địa phương.

"Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương là tài liệu hữu ích, cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy phát triển, cũng như cung cấp thông tin hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương", Bộ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể, đa chiều, cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

"Việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương là mang tính tương đối, không phải mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau", ông nói. Ví dụ các địa phương ở vùng miền núi sẽ có các điều kiện, đặc điểm khác với các địa phương ở vùng đồng bằng hay ở vùng duyên hải. Có địa phương có điều kiện thuận lợi và định hướng để phát triển nông nghiệp, nhưng địa phương khác lại có điều kiện và định hướng để phát triển dịch vụ - du lịch hay phát triển công nghiệp...

Căn cứ vào kết quả PII 2023, các địa phương có thể đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng đối với các trụ cột đầu vào và đầu ra có kết quả còn kém để cải thiện trong những năm tới.