18:03 23/01/2024

Thanh Hóa khuyến cáo người dân không nên phá bỏ ồ ạt "cây thoát nghèo"

Nguyễn Thuấn

Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân không dao động dẫn đến việc phá bỏ ồ ạt diện tích gai xanh đã trồng để chuyển sang canh tác các loại cây mới...

Tổng diện tích trồng cây gai xanh toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay là hơn 634 ha.
Tổng diện tích trồng cây gai xanh toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay là hơn 634 ha.

Cách đây gần 6 năm, ngày 24/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án được triển khai trên phạm vi 12 huyện, gồm: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa. Sau đó, mở rộng thêm 6 huyện, gồm: Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Mường Lát. Với tổng diện tích vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh này dự kiến đạt 6.457 ha vào cuối năm 2025.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND ngày 26/4/2021 về ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2023.

Bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, như: Tiến hành khảo sát đất đai, thổ nhưỡng để lựa chọn khu vực canh tác phù hợp; hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất, canh tác có hiệu quả.

Tuy nhiên, do chu kỳ sản xuất, thu hoạch ngắn với khoảng 3 tháng/lần thu hoạch nên diện tích cây gai xanh chỉ thực sự được mở rộng từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, sau khi Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước đi vào hoạt động chính thức tháng 10/2020.

Năm 2020, tổng diện tích trồng cây gai xanh toàn tỉnh Thanh Hóa là 150 ha. Đến cuối năm 2022, diện tích  diện tích trồng cây gai xanh của tỉnh này là 930,38 ha. Năm 2023, toàn tỉnh không phát sinh diện tích trồng mới cây gai xanh, trong khi đó, diện tích chuyển đổi từ cây gai xanh sang cây trồng khác lên đến 296,1 ha. Vì vậy đến nay, tổng diện tích trồng cây gai xanh toàn tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 634,28 ha.

Sau 5 năm đưa vào trồng diện rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cây gai xanh đã khẳng định được lợi thế nhiều mặt: Là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Thanh Hóa; dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, hoàn toàn có thể thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng nếu được đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật một cách đồng bộ; thời gian thu hồi vốn của người trồng ngắn nếu thực hiện tốt cơ chế thanh toán giữa doanh nghiệp với người trồng.

Vùng trồng cây gai huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.
Vùng trồng cây gai huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước gặp khó khăn, sợi dệt sản xuất ra không tiêu thụ được. Công ty không bố trí được nguồn vốn để đầu tư, phát triển công nghệ và lúng túng trong việc tổ chức phát triển vùng nguyên liệu, cũng như trong việc thu mua vỏ gai, dẫn đến tình trạng nợ tiền thu mua vỏ gai của người dân.

Mặc dù đến cuối năm 2023, công ty này đã thanh toán hết các khoản công nợ và đang tiếp tục thu mua vỏ gai khô theo đúng hợp đồng liên kết với người dân nhưng đã gây ảnh hưởng đến tâm lý người trồng gai trong việc duy trì thâm canh, chăm sóc và phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh. Bên cạnh đó, trong năm 2023, giá trị sản xuất các loại cây trồng khác như: mía, sắn... đều tăng; cùng với thị trường tiêu thụ đa dạng hơn và cơ chế thu mua, thanh toán kịp thời, nên một bộ phận người trồng gai xanh đã chuyển đổi sang trồng sắn, mía và các cây trồng khác.

Những huyện có diện tích cây gai xanh bị phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác trong năm 2023 lớn, như: Thạch Thành 99,98 ha, Bá Thước 49,45 ha, Cẩm Thuỷ 45,01 ha, Lang Chánh 21,99 ha, Như Xuân 14,77 ha, Như Thanh 14,95 ha, Ngọc Lặc 12,85 ha, Thường Xuân 12,65 ha, Yên Định 10,26 ha…..

Năm 2024, có 16/18 huyện trong vùng nguyên liệu không đăng ký mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, chỉ có huyện Lang Chánh đăng ký trồng mới 10 ha; huyện Hoằng Hoá đăng ký trồng mới 1 ha.

Để duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu cây gai xanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương trong vùng nguyên liệu tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hoạt động của Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước gặp khó khăn, để người dân hiểu và chia sẻ với công ty, không dao động dẫn đến việc phá bỏ ồ ạt diện tích gai xanh đã trồng để chuyển sang canh tác các loại cây mới.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người dân tiếp tục chăm sóc diện tích cây gai đã trồng, chưa bị phá bỏ, lựa chọn các vùng, khu vực có điều kiện canh tác thuận lợi để xây dựng các mô hình thâm canh nhằm chứng minh hiệu quả kinh tế của cây gai xanh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất gai. Đặc biệt trong khâu thu hoạch, sơ chế vỏ gai, công ty phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất cây gai xanh; xây dựng cơ chế liên kết, đầu tư rõ ràng, cụ thể với người trồng và cam kết bảo lãnh hiệu quả kinh tế nếu làm đúng các biện pháp kỹ thuật để người dân yên tâm phát triển diện tích trồng cây gai xanh.