Thanh khoản dồi dào, khối ngoại tranh thủ mua ròng đột biến 688 tỷ
Diễn biến quay đầu điều chỉnh khá nhanh của chứng khoán Mỹ đêm qua góp phần hạ nhiệt sức nóng của thị trường trong nước. Lượng cổ phiếu bắt đáy sẽ về tài khoản chiều nay nên những nhà đầu tư đang mắc kẹt sẽ chọn cách bán ra sớm từ sáng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng vọt lên hơn 24 ngàn tỷ đồng và không còn hiện tượng trần cả loạt...

Diễn biến quay đầu điều chỉnh khá nhanh của chứng khoán Mỹ đêm qua góp phần hạ nhiệt sức nóng của thị trường trong nước. Lượng cổ phiếu bắt đáy sẽ về tài khoản chiều nay nên những nhà đầu tư đang mắc kẹt sẽ chọn cách bán ra sớm từ sáng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng vọt lên hơn 24 ngàn tỷ đồng và không còn hiện tượng trần cả loạt.
Phiên sáng nay là cơ hội để các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục với kỳ vọng khác biệt do tác động của thuế đối ứng. Những cổ phiếu bị cho là chịu ảnh hưởng bất lợi như bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản đã bị bán ra mạnh hơn khi có cầu. Trong khi đó những cổ phiếu ít bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục được đẩy giá lên. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên ghi nhận 245 mã tăng/237 mã giảm.
VN-Index chốt phiên sáng vẫn tăng 26,75 điểm tương đương +2,29%. Đỉnh cao nhất chỉ số đạt được là 1206,04 điểm lúc 10h13 tăng 3,23%, với 271 mã tăng/174 mã giảm. Như vậy áp lực bán có tín hiệu gia tăng trong nửa cuối phiên.
Nhóm blue-chips vẫn đang là điểm tựa quan trọng cho chỉ số. VN30-Index tăng 2,78% với 23 mã tăng/6 mã giảm. Nhóm này cũng tập trung 57,1% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE cho thấy dòng tiền đang chảy vào blue-chips mạnh mẽ. Trong khi đó Midcap chỉ tăng 1,21%, thanh khoản chiếm 34,9%. Smallcap tăng 0,33%.
Toàn bộ 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index đều tăng mạnh, trong đó HPG, GAS kịch trần. Yếu nhất là VHM cũng tăng 1,54%. Ba cổ phiếu hàng đầu có VCB tăng 5,53%, BID tăng 3,46% và VIC tăng 5,09%. 6 cổ phiếu đỏ trong rổ VN30 là VRE giảm 0,52%, VPB giảm 0,59%, LPB giảm 1,63%, SSB giảm 1,94%, GVR giảm 6,05% và BCM giảm sàn 6,92%. Tác động của nhóm giảm giá này rất hạn chế trong khi phần lớn số giảm nằm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Hiện tượng phân hóa theo ưu tiên của dòng tiền là rất rõ ràng. Hôm qua tâm lý bùng nổ khiến gần như tất cả các cổ phiếu đều kịch trần hoặc tăng cực mạnh. Tuy nhiên việc giãn thời gian áp thuế 46% và tạm thời lùi xuống 10% vẫn có những tác động nhất định. Các cổ phiếu trong nhóm dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp sáng nay lại bị bán mạnh. KBC, SZC, SIP, MSH, LHG giảm sàn. Thống kê sàn HoSE có 92 cổ phiếu giảm hơn 1% trong đó 15 mã thanh khoản vượt 100 tỷ đồng. Dù vậy nhóm này cũng không chiếm ưu thế, dòng tiền tập trung vào đây chỉ chiếm 16,3% tổng giao dịch của sàn HoSE.
Ở phía tăng tâm lý tích cực vẫn áp đảo. Dù độ rộng tổng thể không nhiều khác biệt (245 mã tăng/237 mã giảm) nhưng trong số tăng có tới 150 mã tăng hơn 1% và chiếm 69% tổng giao dịch sàn. Trong 34 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng ở nhóm này, có 6 mã kịch trần là HPG, MWG, DGC, PNJ, GAS và HAG. Ngoài ra rất nhiều cổ phiếu tăng trên 4% với giao dịch lớn như DCM tăng 6,49%, VND tăng 5,93%, POW tăng 5,66%, VCG tăng 5,66%, ACB tăng 4,72%, NVL tăng 4,5%, DBC tăng 4,48%...

Sự phân hóa của dòng tiền là hiện tượng được dự đoán trước vì khi có thanh khoản, các nhà đầu tư mắc kẹt sẽ phải cơ cấu lại danh mục và ưu tiên các cổ phiếu có lợi thế hơn trong bối cảnh sức ép thuế đối ứng vẫn còn “lơ lửng”. Ngược lại, các cổ phiếu khác đã chiết khấu giá mạnh và trở nên hấp dẫn khi có thanh khoản sẽ được tận dụng để mua vào. Mặc dù các bất định vẫn còn phía trước vì phụ thuộc vào kết quả khó đoán của đàm phán, nhưng kịch bản xấu hơn mức thuế 46% là rất ít khả năng xảy ra. Mức chiết khấu giá những ngày qua đã là đánh đổi với những gì xấu nhất.
Thanh khoản cơi mở hơn trong sáng nay cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài bộc lộ sức cầu khá ấn tượng. Tổng giá trị giải ngân trên HoSE đạt 3.215,8 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong các phiên sáng kể từ đầu năm. Giá trị bán ra đạt 2.527,7 tỷ đồng tương ứng mua ròng 688 tỷ đồng. Đây là cú quay xe đáng chú ý sau những ngày bán tháo vì lo sợ thuế quan.
Những cổ phiếu được mua mạnh là HPG +378 tỷ đồng, MBB +175 tỷ, MWG +131 tỷ, ACB +126,5 tỷ, TCB +125 tỷ, VIC +113,4 tỷ, FPT +91,3 tỷ, VND +45 tỷ, FRT +40 tỷ. Phía bán ròng có SSI -120 tỷ, KBC -71,8 tỷ, GMD -58,3 tỷ, GEX -48 tỷ.