Thanh khoản tăng vọt, áp lực xả hàng đang lên
VN-Index mất không nhiều điểm cuối phiên sáng nay nhưng đà lao dốc là khá rõ trong khoảng 45 phút cuối. Thanh khoản khớp lệnh tăng vọt 16% trên hai sàn niêm yết và độ rộng cũng co hẹp lại khá nhanh, cho thấy áp lực chốt lời đang dâng cao...
VN-Index mất không nhiều điểm cuối phiên sáng nay nhưng đà lao dốc là khá rõ trong khoảng 45 phút cuối. Thanh khoản khớp lệnh tăng vọt 16% trên hai sàn niêm yết và độ rộng cũng co hẹp lại khá nhanh, cho thấy áp lực chốt lời đang dâng cao.
Chỉ số chính chốt phiên sáng mới mất 1,21 điểm, rất ít, nhưng tại đỉnh VN-Index tăng gần 8 điểm. Chỉ số này đã điều chỉnh khoảng 0,7% trong 45 phút cuối. Đặc biệt áp lực bán có tín hiệu mạnh rõ rệt trong nhóm blue-chips, khi rổ VN30 tăng thanh khoản hơn 43% so với sáng hôm qua.
Chỉ số đại diện rổ blue-chips VN30 cũng trượt dốc khá rõ, nhưng vẫn còn tăng 0,26% so với tham chiếu. Mức điều chỉnh so với đỉnh khoảng 0,65%. Từ chỗ chỉ có 1 mã giảm/26 mã tăng, rổ VN30 cuối phiên chỉ còn 11 mã tăng/18 mã giảm.
Áp lực tại rổ VN30 chứng kiến khá nhiều mã rơi trên 2% so với đỉnh như BID giảm 2,03%, chốt phiên sáng dưới tham chiếu 1,65%; GVR mất sạch mức tăng 2,56% lui về tham chiếu; MSN rơi 2,18%, đang giảm 2% so với tham chiếu; SSI trượt 2,93%, đang giảm 1,49%...
Điều may mắn là các trụ ép VN-Index chưa nhiều. GAS giảm 2,05% thì cũng đã yếu ngay từ sáng khi giá dầu thế giới tạo áp lực lớn. BID giảm 1,65% so với tham chiếu sau khi đạt đỉnh khoảng 10h. MSN giảm 2%, SAB giảm 2,05%, CTG giảm 0,69%, HPG giảm 0,63%, VIC giảm 0,3% là những cổ phiếu có ảnh hưởng nhất. Dễ thấy là mức giảm ở các trụ phần lớn là nhẹ.
Chiều tăng, VN-Index hiện đang được đỡ bởi VCB tăng 1,26%, VHM tăng 1,62%, NVL tăng 2,36%, VPB tăng 1,21%, FPT tăng 1,65%, TCB tăng 1,05%. Như vậy thị trường đang có hiện tượng đổi trụ, những cổ phiếu mới nổi lên cân bằng với số giảm. Nếu tình trạng này được duy trì thì điểm số sẽ vẫn được giữ nhịp và không gây ra xáo trộn gì lớn, thậm chính diễn biến điều chỉnh nhìn qua chỉ số cũng không đáng kể.
Phần còn lại phụ thuộc vào giao dịch ở cổ phiếu cụ thể. Độ rộng của VN-Index sáng nay đã hẹp lại khá nhanh. Ngay cả khi chỉ số này tạo đáy đầu tiên lúc 9h35, độ rộng vẫn là 206 mã tăng/146 mã giảm. Thế nhưng đến cuối phiên độ rộng chỉ còn 173 mã tăng/242 mã giảm. Thay đổi này thể hiện áp lực bán gia tăng dần theo thời gian. Thanh khoản khớp lệnh của toàn sàn HoSE cũng tăng 17,2% so với sáng hôm qua, đạt gần 9.549 tỷ đồng.
Thanh khoản tăng đi kèm với giá cổ phiếu đảo chiều là tín hiệu của hoạt động chốt lời mạnh hơn. Diễn biến này không giống với các phiên trước, khi thị trường lình xình ngay từ đầu và bên bán chấp nhận bán ở mức khá thấp. Sáng nay giá cổ phiếu được đẩy lên cao mới gặp áp lực bán. Thống kê sơ bộ ở sàn HoSE, bất kể cổ phiếu đến cuối phiên còn xanh hay đỏ, thì số mã trượt giảm vượt 2% so với đỉnh trong phiên khoảng 147 mã. Khoảng 90 mã khác trượt giảm từ 1%-2%.
Dĩ nhiên mức trượt giảm này không có nghĩa là cổ phiếu đỏ toàn bộ. Nhiều mã có đà tăng tốt đầu phiên nên mức trượt giá nói trên mới là thu hẹp biên độ tăng. Ví dụ VPB, VHM, FPT, TCB... cũng là các cổ phiếu bị ép giá ở mức độ nhất định.
Tuy vậy, phân bổ vốn cũng xác nhận áp lực bán đang mạnh hơn về tổng thể. Giao dịch ở nhóm giảm giá sàn HoSE sáng nay đạt 5.657,7 tỷ đồng, chiếm 59,3% tổng khớp sàn này, trong khi giao dịch ở nhóm tăng là 3.214 tỷ đồng, chiếm 33,7%. Trong Top 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất 3 sàn thì có 4 mã tăng và 6 mã giảm.
Những cổ phiếu đi ngược dòng thị trường và thu hút thanh khoản ấn tượng có thể kể tới DGW tăng 3,45% giao dịch 55,7 tỷ, DBC tăng 3,53% giao dịch 193,7 tỷ, TPB tăng 2,5% giao dịch 112,9 tỷ, NVL tăng 2,36% giao dịch 103 tỷ, FRT tăng 1,79% giao dịch 97,2 tỷ...
Các nhóm cổ phiếu cũng đang phân hóa mạnh và nghiêng nhiều hơn về nhóm giảm. Cổ phiếu thép rất mạnh hôm qua chững lại với HPG, NKG giảm, HSG, POM vẫn tăng. Cổ phiếu chứng khoán vẫn có loạt mã nhỏ như PHS, CSI, HAC, PSI tăng trên 2% nhưng VND, SHS, BVS, SSI, CTS, VCI... giảm. Ngân hàng cũng vậy, 12/27 mã của nhóm này vẫn đang xanh, 10 mã khác giảm...
Khối ngoại sáng nay cũng tăng bán, tổng giá trị bán ra tại HoSE đạt 754,4 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng giá trị sàn này. Mức mua vào là 668,4 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 86 tỷ. Tuy vậy khối này xả ròng chủ đạo là hai chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-218,6 tỷ) và E1VFVN30 (-111,4 tỷ). Ngoài ra chỉ có MSN -25,3 tỷ và KBC -23,3 tỷ là đáng kể. Phía mua ròng VHM được mua tốt 105,7 tỷ đồng ròng, HPG 68,9 tỷ, SSI 27,6 tỷ, VCB 27,4 tỷ. Như vậy khối này vẫn đang mua ròng trực tiếp với cổ phiếu, còn các quỹ bị rút vốn sẽ bán cổ phiếu trong rổ.