15:23 14/06/2021

Tháo gỡ bất cập bảo hiểm thất nghiệp: Đào tạo kỹ năng thay vì chỉ trợ cấp tiền?

Phúc Minh

Những bất cập trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp như: thời gian đóng đủ 12 - 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp dẫn đến nhiều sự biến động lao động, gây khó khăn cho các doanh nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 27/4 được cho là đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đã tác động mạnh đến hầu hết người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp. Điều này cũng khiến số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục gia tăng. 

TĂNG MẠNH SỐ NGƯỜI HƯỞNG MỚI BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thị trường lao động,  dịch bùng phát ở nhiều khu công nghiệp khiến lực lượng sản xuất tạo ra tăng trưởng kinh tế chính của đất nước bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập và đời sống người lao động khó khăn.

Ảnh hưởng của dịch cũng khiến số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên đáng kể. Thống kê cho thấy, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4/2021 tăng 17,2% so với tháng 3, tháng 5 (tính đến ngày 18/5) tăng 19,4% so với tháng 4.

Cũng theo báo cáo kết quả giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong thời gian qua của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2021, số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.

Riêng trong tháng 5, có 103.918 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên 469.744 người. Số người giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp tăng thêm 74.634 người trong tháng 5, lũy kế 5 tháng đầu năm là 295.989.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ... Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người lao động bị mất việc làm, không có đủ thu nhập để đảm bảo cuộc sống...

Công nhân một doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh. Ảnh - Anh Tuấn. 
Công nhân một doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh. Ảnh - Anh Tuấn. 

CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC VỀ ĐÀO TẠO LẠI CHO LAO ĐỘNG

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động sau khi mất việc, đặc biệt với những lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, trong triển khai chính sách này từ thực tiễn vẫn còn những bất cập. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam dẫn chứng, hiện nay theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Theo bà Xuân, quy định này đã tạo ra tình trạng biến động lao động tại nhiều doanh nghiệp, do người lao động, nhất là lao động trẻ lợi dụng chính sách này chỉ đi làm đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Thậm chí, có trường hợp sau đó lại đi xin việc làm tiếp 12 tháng rồi lại nghỉ.

Vì vậy, đại diện hiệp hội này đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng làm từ đủ 12 - 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng để tránh tình trạng người lao động lợi dụng nhảy việc gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trợ cấp cho lao động trong những tình huống khó khăn về mặt chủ trương là rất tốt.

Tuy nhiên, về lâu dài cần chú trọng đến hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp, có nguy cơ bị mất việc làm hơn là chỉ trợ cấp tiền, điều này cũng nhằm hạn chế tình trạng trục lợi chính sách.

Trước thực tế nhiều người lao động thất nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc đào tạo nghề, theo bà Hương sẽ cần có các kịch bản đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp rất cụ thể, phù hợp với thực tế của cả người lao động và doanh nghiệp, tránh đào tạo chung chung hay ồ ạt.

“Tôi nghĩ rằng, về lâu dài cần có một chiến lược về đào tạo lại cho những lao động thất nghiệp, có nguy cơ bị mất việc làm, trong đó xác định rõ những nhóm ngành nghề nào thực sự cần thiết mới đào tạo", bà Hương nhấn mạnh.