Thấy gì từ thanh khoản "mất hút" và tiền chờ nằm ở các công ty chứng khoán ở mức kỷ lục?
Thanh khoản mất hút đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5 trở lại trong khi đó, tiền nằm chờ ở các công ty chứng khoán đang cao ở mức kỷ lục....
Sau nhịp sôi động trong tháng 8 và tháng 9, thị trường chịu áp lực chỉnh mạnh trong tháng 10 có lúc bục 1.100 điểm cùng với đó là thanh khoản xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 tới nay. Riêng phiên giao dịch hôm qua, cả ba sàn giảm còn 13.100 tỷ đồng, trung bình 5 phiên đổ lại, giá trị giao dịch bình quân 12.700 tỷ đồng giảm một nửa so với tháng 9 trên 24.500 tỷ đồng trung bình mỗi phiên.
Trong khi đó, thống kê của VnEconomy cho thấy, tiền mặt gửi tại các công ty chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục tại thời điểm cuối quý 3. Số dư tiền gửi khách hàng công ty chứng khoán tính đến cuối quý 3-2023 đạt khoảng 77.000 tỉ đồng, chủ yếu là tiền do công ty chứng khoán quản lý. Trong đó, top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất trên HoSE chiếm khoảng 70%.
VPS tiếp tục là công ty có số dư tiền gửi khách hàng khủng nhất với 19.620 tỉ đồng thời điểm cuối quý 3-2023, tăng hơn 1.600 tỉ đồng so với cùng kỳ. Các vị trí tiếp theo thuộc về VnDirect và SSI với số dư tiền gửi của khách hàng lần lượt là 6.777 tỉ đồng và 5.313 tỉ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lý do khiến thanh khoản giảm mạnh, tiền nằm chờ chưa sẵn sàng nhập cuộc chủ yếu do thị trường đang bước vào nhịp điều chỉnh trong bối cảnh thông tin hỗ trợ duy nhất là kết quả kinh doanh quý 3 lại cho thấy bức tranh tối màu ở các nhóm vốn hóa lớn.
Tính đến ngày 25/10/2023, đã có 633/1609 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 32,6% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh, với tổng lợi nhuận sau thuế Q3/2023 giảm nhẹ so với cùng kỳ (-5,5%).
Trong lần cập nhật này, xu hướng suy giảm về lợi nhuận ở các doanh nghiệp Phi tài chính đã thu hẹp đáng kể so với quý 2/2023 giảm 48% so với cùng kỳ.
Xét trên toàn thị trường, những ngành đóng góp chính vào mức sụt giảm này là Ngân hàng, Bất động sản, Hóa chất, Hàng cá nhân và Gia dụng. Riêng với Hóa chất, đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận sau thuế giảm hơn 65% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá vẫn khiến khối ngoại không ngừng tay bán tháo chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.005 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu. Lũy kế từ đầu năm nay, nhóm này bán ròng 7.360 tỷ đồng. Xu hướng bán của khối ngoại cũng ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trong nước trong khi đó nhiều dự báo cho rằng nhóm này sẽ còn bán mạnh rút về các thị trường phát triển như thị trường Mỹ nhằm tìm kiếm sự an toàn.
Dòng vốn thông qua ETF bị rút ròng khỏi các thị trường như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và ngược lại vào ròng thị trường Mỹ với gia trị 33,7 tỷ USD lũy kế từ đầu năm tới cuối tháng 9 vào ròng 142 tỷ USD. Tính chung ròng vốn vào ETF các thị trường phát triển 42,3 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm 233 tỷ USD.
Ở bên ngoài, bên cạnh các vấn đề xung đột tại khu vực Trung Đông, thì thông điệp của FED trong tháng 9 là mức lãi suất có thể cao hơn và kéo dài hơn cùng với biến số từ cuộc họp chính sách sắp tới vào ngày 1/11 cũng thách thức cho thị trường. Thị trường chỉ thật sự cân bằng khi các vấn đề liên quan đến tỷ giá, lạm phát cho thấy được Chính phủ kiểm soát tốt và nền kinh tế lấy lại động lực tăng trưởng rõ nét.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là tiền vẫn nằm chờ cơ hội ở các công ty chứng khoán chưa có dấu hiệu rút ra. Sau những nhịp điều chỉnh, định giá tốt hơn. P/E ước tính cho năm 2023 đang ở mức 11,3 lần, đã giảm 10% so với mức 12,3 lần thiết lập tại đỉnh ngắn hạn của VNIndex. Mức định giá này thấp hơn đáng kể mức 14 lần của TB 5 năm và chỉ bị xuyên phá khi thị trường diễn ra các sự kiện “thiên nga đen” như Covid19 (đầu năm 2020) và đợt bùng nổ rủi ro thanh khoản trên thị trường TPDN (quý 2 và quý 3 năm 2022).
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán. Bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM trong tháng 9 giảm mạnh về mức 5,7% sv 6,2% trong tháng 8), khiến cho khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng được nới rộng.
Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, Áp lực giảm của thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại, cầu yếu khiến thị trường giảm sâu. Khi cung bán ra không có lượng cầu cân đối sẽ khiến thị trường tiếp nối đà giảm.
Tuy nhiên về xu hướng trong ngắn hạn, ông Minh cho biết áp lực giảm mạnh thêm nữa sẽ ít hơn. "8 ngày nữa Fed sẽ họp, khả năng không tăng lãi suất khá cao. Lợi suất trái phiếu hạ nhiệt, kịch bản chứng khoán tăng trở lại trong tháng 11 là có, dù cơ bản vẫn khó với những yếu tố bất định từ quốc tế", ông Minh nhận định.