08:18 02/02/2022

Thể chế là nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp

Vũ Khuê

Được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ VI đúng thời điểm nền kinh tế, doanh nghiệp đang phải gồng mình trước “cơn bão” Covid-19. Trước thềm năm mới, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đã chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy những bước đi quan trọng trong thời gian tới nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh...

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ các mục tiêu phát triển của đất nước, đó là gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nhóm các quốc gia phát triển vào năm 2045. Vị thế mới của đất nước, mục tiêu mới của dân tộc đòi hỏi VCCI phải có tầm nhìn mới, sứ mệnh mới, chiến lược mới và cách làm mới.

Vậy cách làm mới của VCCI trong thời gian tới là gì, thưa ông?

VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, là thành viên uy tín, tích cực của các hiệp hội, các tổ chức thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, muốn đất nước ta tiến tới sánh vai cùng các quốc gia phát triển vào năm 2045, thì giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sánh ngang với giới doanh nhân, doanh nghiệp các nước này về mọi mặt, không chỉ là vốn liếng, công nghệ hay sản phẩm, mà phải cả về văn hóa, lối sống, đạo đức kinh doanh và uy tín xã hội.

Đây là một mục tiêu lớn đầy thách thức mà VCCI có sứ mệnh phải dẫn dắt, thúc đẩy, hỗ trợ giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đạt cho được. Một quốc gia phát triển không chỉ thể hiện bằng tiền mà phải có văn minh thương mại, văn hóa kinh doanh, không có chuyện làm hàng giả, buôn gian bán lận, trốn thuế, thiếu trách nhiệm xã hội…

Chúng ta phải chuẩn bị hành trang này ngay từ bây giờ vì xây dựng văn hóa kinh doanh mất rất nhiều năm để đạt được mục tiêu phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Để làm được điều này VCCI định vị mình cần liên kết các hiệp hội (khoảng 700 hiệp hội doanh nghiệp) và hỗ trợ cho các hiệp hội cùng phát triển; đồng thời, cần tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng nhằm tăng sức mạnh, phát huy tốt các nguồn lực kinh tế của đất nước.

Thêm nữa, VCCI tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó tập trung vào chuyển đổi số. Chuyển đối số không phải là mục tiêu mà là phương pháp, công cụ để đạt mục tiêu là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt, có sức chống chọi với những biến động của thị trường, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh.

Vấn đề phát triển bền vững cũng sẽ được thúc đẩy trong nhiệm kỳ này bằng việc VCCI sẽ chính thức xây dựng văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp một cách bài bản, có lý luận, nhiệm vụ, phương pháp. Văn hóa doanh nghiệp không thể cưỡng ép được nhưng chúng ta có thể khuyến khích, động viên doanh nghiệp thực hiện, nhằm tạo nên một nền văn minh thương mại của Việt Nam. Để làm tốt điều này, VCCI phải biết doanh nghiệp cần những gì để chuẩn bị tốt hành trang cho họ.

Hội nhập quốc tế cũng là vấn đề lớn cần được quan tâm trong thời gian tới. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu, coi xuất khẩu là động lực phát triển, bởi thị trường trong nước chưa đủ sức làm đầu kéo để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 7-8%/năm. Do vậy, chúng ta không để doanh nghiệp bị tuột ra khỏi chuỗi cung ứng quốc tế thông qua ngoại giao kinh tế, thực hiện các FTA.

Đặc biệt, có một môi trường trong lành để doanh nghiệp dễ dàng sản xuất, kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng. Vì thế, VCCI sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách. Thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho thành lập, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

"Để làm được điều này, vấn đề đầu tiên vẫn là thể chế. Hỗ trợ là yếu tố cần để doanh nghiệp “khỏe” lên, nhưng để mạnh lên và phát triển bền vững thì cần có thể chế. Rất mừng là trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của chúng ta thì thể chế đã quay trở lại sau một thời gian gián đoạn và thành một chương trình riêng".

 

Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có cần thay đổi khác với giai đoạn khi bắt đầu có dịch không?

Với đặc thù của dịch bệnh, tác động bao trùm cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, có những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội để phát triển (doanh nghiệp y tế), nhưng cũng có những ngành hàng rất khó khăn như du lịch dịch vụ, giao thông vận tải… Triển vọng phục hồi của những ngành này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.

Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp là làm sao bảo tồn để vượt qua được đại dịch. Bởi nhiều doanh nghiệp tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho phòng chống dịch. Khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình chịu tổn thất nặng nề nhất.

Do đó, sự quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần có chọn lọc. Trong tình hình phức tạp như hiện nay, không có một chính sách bao trùm chung, mà đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ cần được ưu tiên hỗ trợ. Bên cạnh đó có chính sách cho tổng thể nền kinh tế như kích cầu, tài khóa – tiền tệ.

Đặc biệt cần quan tâm tới chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác được cơ hội từ những khoảng trống tạo ra, tiến lên bước cao hơn trong thang giá trị. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải xác định được mục tiêu như vậy để chống chọi, ứng xử với dịch bệnh.

Nhưng thời gian qua cho thấy vẫn còn khoảng trống giữa chính sách của Nhà nước với thực tiễn của doanh nghiệp. Để thu hẹp khoảng trống cũng như gia tăng hiệu quả của các chính sách đối với doanh nghiệp, theo ông, cần tập trung vào những giải pháp nào?

Theo tôi, chúng ta không nên bi quan về việc có khoảng trống giữa chính sách với cuộc sống, bởi không có chính sách nào sát hoàn toàn được với thực tế. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều chính sách được đưa ra, có những chính sách khó đi vào cuộc sống vì lần đầu chúng ta đối phó với tình trạng phức tạp như vậy. Sau một thời gian đã tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn có một số nội dung chưa thiết thực, chưa sát hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp.

Đơn cử như hỗ trợ đào tạo người lao động là chính sách rất tốt với khoản hỗ trợ hơn 4 nghìn tỷ đồng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được. Hay chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không có thu nhập do tác động của Covid thì giảm thuế cũng không còn ý nghĩa. Do vậy, có thể nói, luôn luôn có khoảng cách giữa tư duy của người ban hành chính sách với thực tế.

Vì vậy, để chính sách đi vào thực tiễn, người ban hành chính sách và người chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách phải có đối thoại, trao đổi kỹ lưỡng trước khi ban hành. Điều này bấy lâu nay chưa được làm một cách rốt ráo, hiệu quả. Khi đối thoại, người ban hành chính sách cần trong trong tâm thế lắng nghe, nhưng nếu nghe xong bỏ đấy thì thực tiễn không “nhúng” được vào trong chính sách.

Thêm nữa, chính sách cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tư duy tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là giá trị cốt lõi của chính sách. Có như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có những chính sách đúng và trúng.

Thể chế là nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp mà chúng ta cần khai thác.
Thể chế là nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp mà chúng ta cần khai thác.

 

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp như tài khóa - tiền tệ, doanh nghiệp còn rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi. Vậy trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Chính phủ cần làm gì để các thủ tục pháp lý không “cản” doanh nghiệp phát triển?

Doanh nghiệp lúc nào cũng mong muốn một môi trường kinh doanh ổn định để phát triển. Doanh nghiệp bị thiệt hại rồi sẽ phục hồi, còn những doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sẽ có sự phát triển mới do chính những biến động của Covid-19 tạo ra, nhằm nâng cao vị trí của mình trong chuỗi giá trị.

Để làm được điều này, vấn đề đầu tiên vẫn là thể chế. Hỗ trợ là yếu tố cần để doanh nghiệp “khỏe” lên, nhưng để mạnh lên và phát triển bền vững thì cần có thể chế. Rất mừng là trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của chúng ta thì thể chế đã quay trở lại sau một thời gian gián đoạn và thành một chương trình riêng.

Doanh nghiệp bao giờ cũng mong: “Cho tôi một cơ chế tốt còn hơn cho tôi tất cả mọi thứ ưu đãi”. Những ưu đãi là cần thiết cho phục hồi nhanh trong giai đoạn nhất định khi vừa “ốm dậy”. Nhưng để tiếp tục phát triển bền vững thì cải cách thể chế là số 1. Thể chế - thể chế và thể chế. Có một thể chế thuận lợi thì các doanh nghiệp sẽ phát triển tốt lên, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập, cũng như thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Thể chế là nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp mà chúng ta cần khai thác. Nhiều quốc gia không có tài nguyên như Nhật Bản, Singapore nhưng họ rất phát triển bởi có một thể chế tốt, bộ máy, chính sách được thiết kế hoàn hảo cho doanh nghiệp phát triển.

Đó là nguồn lực lớn nhất, đặc biệt trong thời đại kinh tế số. Việt Nam cần coi thể chế là một nguồn lực. Nguồn lực đó do hệ thống chính trị tạo ra để xây dựng và phát triển. Để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 thì phải có một khung thể chế tốt.