Thế giới di động "xóa tên" điện máy Trần Anh sau 3 năm thâu tóm
Quá trình tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ ở Thế giới di động với việc giải thể hàng loạt công ty con, mới nhất là Điện máy Trần Anh...
Công ty CP Thế giới Di động (MWG) mới đây đã thông qua việc giải thể Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh với lý do tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Số liệu cho thấy, từ năm 2018 đến hết năm 2023, Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh lỗ luỹ kế 46,92 tỷ đồng. Trong đó, Thế giới Di động đã đầu tư 860,94 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh để nắm giữ 99,33% vốn điều lệ.
Thế giới Di động thâu tóm Trần Anh vào đầu năm 2021. Khi đó, Công ty cổ phần Thế giới Số Trần Anh là doanh nghiệp từng sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh nổi tiếng và là nhà phân phối bậc nhất trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc.
Trước khi xóa sổ Trần Anh, Thế giới Di động cũng đã thông qua việc giải thể Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín và Công ty cổ phần 4KFarm với lý do tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT kiêm CEO Dược phẩm An Khang Pharma cho biết, cũng giống như chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang đang trong quá trình tái cấu trúc, xem xét lại những cửa hàng không đóng góp nhiều về doanh thu và lợi nhuận để đóng.
Theo kế hoạch số lượng nhà thuốc An Khang thời điểm cuối năm nay khoảng 300 cửa hàng. Tính tới thời điểm cuối tháng 6, số nhà thuốc An Khang trên toàn quốc là 481 cửa hàng. Nếu việc đóng nhà thuốc diễn ra theo đúng lộ trình thì từ nay tới cuối năm 2024, sẽ phải đóng thêm 181 nhà thuốc An Khang.
Trong tháng 6, MWG đã quyết định đóng cửa 45 nhà thuốc An Khang. Trong tháng 7, công ty tiếp tục tăng cường tốc độ đóng cửa các nhà thuốc. Tính từ đầu năm đến nay, MWG đã đóng cửa 139 nhà thuốc tương đương khoảng 25% tổng số nhà thuốc, theo số liệu từ SSI Research.
Ông Hiểu Em cho biết thêm, hiện tại, doanh thu cửa hàng An Khang trung bình khoảng 500 triệu đồng mỗi cửa hàng. Điểm hòa vốn đối với chuỗi nhà thuốc là trên 550 triệu đồng/cửa hàng/tháng.
"Hai yếu tố chính cần nỗ lực làm thật tốt là đảm bảo đủ thuốc cho khách hàng và trình độ của mỗi dược sĩ để. phục vụ khách hàng tốt nhất. Đây là hai yếu tố then chốt. Về định hướng, có hai kế hoạch rõ ràng đầu tiên sẽ thu hẹp số lượng cửa hàng để vận hành với chi phí thấp nhất, với số lượng cửa hàng sau khi thu hẹp sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh để đạt được kết quả hòa vốn rồi mới đến tăng tốc mở rộng sau", đại diện MWG nói.
Với chuỗi Điện máy xanh và Thế giới di động, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính cho biết MWG đã cơ bản hoàn tất việc đóng các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vào cuối tháng 6 vừa qua.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu sơ bộ MWG ước tính trong tháng 7.2024 là hơn 11 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ tháng 6.2024 và tăng hơn 10% so với cùng kỳ tháng 7/2023. Trong đó: Thế giới di động (bao gồm Topzone)/Điện máy xanh ghi nhận doanh thu hơn 7 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước (do qua mùa cao điểm máy lạnh và nhu cầu TV giảm sau khi kết thúc các sự kiện thể thao). Các ngành hàng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng này là điện thoại di động, máy tính xách tay và máy giặt.
Bách hóa xanh đạt doanh thu hơn 3,6 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 28% so với tháng 7/2023. Doanh thu bình quân cửa hàng duy trì ở mức 2,1 tỷ đồng.
Cập nhật triển vọng của MWG mới đây, SSI Research ước tính doanh thu năm 2024-2025 lần lượt là 89 nghìn tỷ đồng tăng 7% và 96 nghìn tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi tăng trưởng doanh thu năm 2024 được thúc đẩy bởi doanh thu máy điều hòa cao trong điều kiện thời tiết nóng kỷ lục và doanh thu ti vi cao nhờ mùa giải bóng đá EURO 2024, tăng trưởng doanh thu năm 2025 sẽ được thúc đẩy nhờ nhu cầu thay thế điện thoại khoảng 3-4 năm từ đỉnh chi tiêu cho điện thoại di động giai đoạn 2021-2022.
Với tốc độ phục hồi biên lợi nhuận thị trường nhanh hơn kỳ vọng trong Q2/2024, SSI Research nâng ước tính biên lợi nhuận trước thuế năm 2024-2025 lên lần lượt 5,3% và 6,2% (từ 5,0% và 5,3%).
Với chuỗi nhà thuốc An Khang, từ giữa năm 2022, MWG đã ngừng mở nhà thuốc mới để điều chỉnh mô hình kinh doanh trước khi tiến hành mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn chững lại, theo ước tính biên lợi nhuận trước thuế chỉ -15% trong năm 2023 và chỉ -8-10% trong nửa đầu năm 2024 do cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.
SSI dự báo chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024-2025. Việc đóng cửa các nhà thuốc An Khang có thể không ảnh hưởng đáng kể đến tổng lợi nhuận ròng của MWG.