15:47 09/01/2023

Thị phần môi giới trên HOSE: VPS tiếp tục đứng vị trí thứ 1, VDSC bất ngờ lọt top 10

Hà Anh

10 công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất trên HOSE gồm: VPS, SSI, VNDS, MAS, HSC, VCSC, MBS, TCBS, KIS và VDSC.

VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE với 14,81%.
VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE với 14,81%.

Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo quý 4/2022 và cả năm 2022.

10 công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất trên HOSE gồm: VPS, SSI, VNDS, MAS, HSC, VCSC, MBS, TCBS, KIS và VDSC.

Cụ thể, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu với 14,81%. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp VPS đạt vị trí thị phần số 1 sàn HoSE, mặc dù con số này thấp hơn khá nhiều so với mức 18,71% trong quý 3/2022.

Vị trí thứ 2 thuộc về Chứng khoán SSI với thị phần 9,96%, tăng nhẹ so với quý 3/2022; Chứng khoán VNDirect vị trí thứ ba với thị phần 7,51%, giảm 0,21% so với quý 3/2022. Vị trí thứ tư tiếp tục thuộc về MAS với 6,31% thị phần môi giới.

Vị trí thứ 5 không thay đổi thuộc về HSC với 6,19%, tăng 0,61% so với quý 3/2022; Chứng khoán Bản Việt (VCSC) từ vị trí thứ 8 của quý 3/2022 với 4,49% thị phần lên vị trí thứ 6 với 5,14%. Ở chiều ngược lại, Chứng khoán TCBS từ vị trí thứ 6 trong quý 3/2022 với 5,23% xuống vị trí thứ 8 với 3,73%.

Đặc biệt, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lọt vào top 10 thị phần quý 4/2022 với 3,24%, trong khi FPTS chính thức rời top (quý 3/2022, FPTS đứng vị trí thứ 9 với 2,99%).

Thị phần môi giới trên HOSE: VPS tiếp tục đứng vị trí thứ 1, VDSC bất ngờ lọt top 10 - Ảnh 1

Tính chung chung cả năm 2022, VPS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới trên HOSE với 17,38% thị phần. Đây cũng năm thứ 2 liên tiếp, công ty này dẫn đầu thị phần trên HOSE. Như vậy, VPS đã vươn lên dẫn đầu thị phần tại HOSE và giữ vững vị trí này kể từ quý 1/2021 đến nay.

Đứng vị trí thứ 2 là SSI với 9,84% thị phần; VNDS là 7,88%; HSC 5,72%, MAS 5,47%. Các vị trí còn lại thuộc về là TCBS với 5,12%, VCSC với 4,72%, MBS với 4,63%, FPTS 3,21% và KIS với 2,87%.

Thị phần môi giới trên HOSE: VPS tiếp tục đứng vị trí thứ 1, VDSC bất ngờ lọt top 10 - Ảnh 2

Mới đây nhất, trong báo cáo chiến lược của SSI Research nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang đón nhận các yếu tố tích cực và tiêu cực đang xen.

Cụ thể: tháng 12 tiếp tục là tháng khó khăn với Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VNIndex giảm 3,9% trong tháng và mất 32,78% điểm số trong năm 2022 và là năm sụt giảm mạnh của TTCK Việt Nam chỉ sau năm 2008. Tổng vốn hóa TTCK Việt Nam và riêng trên HOSE cùng sụt giảm khoảng 31% về còn tương ứng 7,8 triệu tỷ đồng và 5,8 triệu tỷ đồng.

Trong giai đoạn hiện tại, TTCK Việt Nam đang đón nhận các yếu tố tích cực và tiêu cực đang xen. Rủi ro ngắn hạn đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất; rủi ro thanh khoản hệ thống khi lượng TPDN đến hạn duy trì ở mức cao; lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hay KQKD quý 4 có thể suy yếu. Mặt khác, Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình xem xét dự thảo sửa đổi NĐ 65 trong thời gian gần đây.

Đặc biệt sang năm 2023, nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức hơn như mức lạm phát dự kiến sẽ đạt đỉnh, lượng trái phiếu đến hạn vào năm 2023 cũng đạt mức cao nhất trong bối cảnh toàn cầu có rủi ro suy thoái và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát. Trên thực tế, TTCK Việt Nam chưa phản ánh hết các thách thức và rủi ro kể trên.

Cũng theo SSI Research, riêng trong tháng 1, phần nào chúng ta có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc của TTCK ở góc độ dòng vốn ngoại khi các quỹ đầu tư nước ngoài thường có xu hướng giải ngân vào đầu năm, đặc biệt là các quỹ ETF.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại có thể khơi thông nhiều nguồn lực cho nền kinh tế và gián tiếp tác động tích cực lên TTCK. Tuy nhiên, biến động của TTCK cũng sẽ rất mạnh trong bối cảnh thanh khoản hệ thống thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và năng lực thanh toán cho lượng TPDN đáo hạn vẫn còn là rủi ro tiềm ẩn rất lớn.

Xu hướng kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số VN-Index quay lại trạng thái tring tính; tuy nhiên xu hướng trung hạn vẫn là giảm và vùng 1.083-1.085 điểm (MA 20 tuần) sẽ là mốc xác định xu hướng tiếp theo của chỉ số trong thời gian tới.

Trong trường hợp chinh phục khu vực 1.083-1.085 điểm này thành công, đà hồi phục trên chỉ số VNIndex sẽ tiếp tục mở rộng hướng đến vùng mục tiêu đầu tiên là ngưỡng tâm lý 1.100 điểm. Ngược lại, sẽ có rủi ro chỉ số quay lại xu hướng giảm ngắn hạn với vùng hỗ trợ quan trọng là 1.020 – 1.000 điểm.