11:43 20/03/2007

Thị trường Mỹ Latinh và cơ hội cho hàng Việt Nam

Hồng Thoan

Thị trường Mỹ Latinh có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, may mặc, giày dép

Cuba là thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở Mỹ Latinh.
Cuba là thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở Mỹ Latinh.
Thị trường các nước Mỹ Latinh có xu thế rõ nét trong kinh tế đối ngoại là hướng về châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, các thị trường này có nhu cầu nhập khẩu lớn về hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, mỹ nghệ... và có khả năng cung cấp nhiều nguyên vật liệu như gỗ, nguyên phụ liệu dệt may.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước trong khu vực Mỹ Latin và Caribê trong 11 tháng đầu năm 2006 đạt khoảng 441 triệu USD, tăng 21,57% so với mức 362 triệu USD cùng kỳ năm 2005, hoàn thành 87% kế hoạch xuất khẩu năm 2006.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống như Arhentina, Brazil, Cuba và Chilê và một số thị trường mới như Panama, Venezuela đạt xấp xỉ 348 triệu USD, tăng 12,98% so với mức 308 triệu USD đạt được cùng kỳ năm 2005.

Ước tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 544,5 triệu USD, hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2006.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường khu vực Mỹ Latin trong năm 2006 bao gồm giày dép chiếm 26,65%, gạo 31,25%, dệt may 7,55%, máy vi tính và linh kiện 1,94%, thuỷ hải sản 1,34%, sản phẩm chất dẻo và gỗ 2,17%... và các hàng hoá khác chiếm khoảng 19,33%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước trong khu vực Mỹ Latin năm 2006 ước đạt 627,5 triệu USD, tăng 17,61% so với năm 2005. Như vậy, Việt Nam nhập siêu khoảng 83 triệu USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm: thức ăn và chế biến gia súc chiếm tới hơn 80% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu, nguyên phụ liệu dệt may, da và thuốc lá, hoá chất, tân dược và các loại máy móc thiết bị phụ tùng.

Nhìn chung, phần lớn các mặt hàng nhập khẩu là để phục vụ cho sản xuất trong nước và tái xuất khẩu.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thì gạo luôn là mặt hàng đứng đầu về trị giá xuất khẩu trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh, nhất là đối với thị trường truyền thống Cuba.

Năm 2005, Việt Nam đã xuất khẩu được 600.000 tấn gạo sang Cuba, gồm cả hợp đồng của năm 2004 chuyển sang, tăng 200.000 tấn so với năm 2004, trị giá khoảng 180 triệu USD.

Năm 2006, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Cuba là 400.000 tấn với tín dụng của Chính phủ (trả chậm 540 ngày, không tính lãi suất) và theo thoả thuận doanh nghiệp.

Theo nhận định của Bộ Thương mại, tiềm năng Việt Nam có thể xuất tới 1 triệu tấn gạo/năm trong tương lai bởi gạo vẫn là lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân Mỹ Latin, thêm nữa gạo của Việt Nam ngày càng khẳng định được tính cạnh tranh ở thị trường khu vực này do giá cạnh tranh và chất lượng ổn định. Riêng Cuba mỗi năm có nhu cầu nhập khẩu từ 500.000 – 600.000 tấn gạo.

Bên cạnh đó, hàng giày dép đã xếp thứ nhất về kim ngạch trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào khu vực này. Đặc biệt ở các nước Panama, Arhentina, Brazil, Chilê, Peru và Venezuela, mặt hàng giày dép luôn luôn là mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất của Việt Nam.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2006, Việt Nam đã xuất 108.460.608 USD hàng giày dép vào các thị trường Mỹ Latin, chiếm 21,1% tổng kế hoạch xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực Mỹ Latinh.

Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Thương mại) cho rằng Việt Nam có thể chia sẻ thị phần 1 – 2 triệu đôi các loại giày thể thao, giày vải, dép xăngđan, dép đi biển với giá trị xuất khẩu khoảng 1 – 1,5 triệu USD thông qua hình thức hợp tác sản xuất, giao bán thành phẩm và hoàn thiện tại Cuba.

Một ví dụ điển hình là Công ty Giày Hiệp Hưng đã cung cấp chi tiết tháo rời (KIT) để hoàn thiện tại Cuba nên năm 2006 đã tung được vào thị trường này hơn 630.000 đôi giày, dép các loại.

Hàng dệt may là một mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào khu vực Mỹ Latinh, chỉ đứng sau mặt hàng gạo, giày dép và cà phê. 10 tháng đầu năm 2006, Việt Nam đã xuất được 30.923.060 USD hàng dệt may vào thị trường khu vực này, chiếm 6% tổng kế hoạch xuất khẩu vào khu vực.

Các nước nhập khẩu là Chilê, Panama, Peru, Cuba, Brazil. Hàng dệt may của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực Mỹ Latinh nếu cạnh tranh được về giá với hàng dệt may của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...

Riêng Cuba hàng năm có nhu cầu nhập khẩu khoảng 80 – 100 triệu USD hàng may mặc với nhiều chủng loại như quần bò, áo phông, sơ mi cộc tay, dài tay, quần âu nam, váy, quần áo bảo hộ lao động, đồng phục học sinh...

Một thuận lợi khác nữa là hiện Cuba không hạn chế định lượng đối với hàng dệt may nhập khẩu.

Điều cơ bản là Việt Nam phải có cơ chế bán trả chậm mới có thể xuất được hàng vào thị trường này. Hiện Trung Quốc cũng đang áp dụng chính sách cho vay tín dụng để Cuba mua các loại hàng hoá của họ.

Đối với sản phẩm máy vi tính, Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc, tuy nhiên giá cả lại chưa thực sự cạnh tranh.

Năm 2006, Cuba đã đề nghị Việt Nam cung cấp 100.000 máy tính với điều kiện thanh toán trả chậm 5 năm, có 1 năm ân hạn không tính lãi suất. Nhưng phía Việt Nam đã đề nghị được cung cấp 50.000 máy tính với yêu cầu thanh toán trả chậm 15 tháng.

Cuối cùng, hai bên thoả thuận phía Việt Nam (cụ thể là Công ty Điện tử Hanel) cung cấp cho tập đoàn điện tử Cuba 30.000 chiếc máy tính trong năm 2006, thanh toán trả chậm 15 tháng.

Ngoài ra, Việt Nam còn thoả thuận bán cho Cuba 70.000 chiếc quạt điện các loại, thanh toán trả chậm 15 tháng. Ước tính khả năng xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Cuba năm 2006 đạt khoảng 10 triệu USD.

Tuy nhiên, để thiết lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các doanh nghiệp cung cấp máy tính của Việt Nam cần có trung tâm hậu mãi tại Cuba và các nước có xuất khẩu mặt hàng này để hướng dẫn và xử lý những trục trặc kỹ thuật có thể xảy ra trong quá trình vận hành máy và phải thường xuyên có sẵn linh kiện thay thế, sửa chữa, nâng cấp máy và phải phổ thông hoá linh kiện (có thể lắp lẫn cho nhau được).

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ Latin ngoại trừ các mặt hàng như gạo, giày dép, dệt may, nông sản, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử, túi xách, mũ, sản phẩm chất dẻo, xe đạp phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, đồ gốm sứ, hải sản trong 10 tháng năm 2006 Việt Nam đã xuất được trên 78 triệu USD các hàng hoá khác.

Vụ Châu Mỹ nhận định, ngoài các thị trường truyền thống, Việt Nam còn có thể mở rộng xuất khẩu các hàng hoá khác vào các nước khác thuộc thị trường khu vực như Peru, Paraguay, Venezuela, El Salvador, Uruguay, Colombia, Jamaica, Ecuador, Belize, Barbados.