09:02 01/08/2016

Thiếu tỷ lệ nợ xấu trong báo cáo của Chính phủ

Minh Đức

Báo cáo thừa nhận xử lý nợ xấu chưa thực chất, nhưng thiếu đi tỷ lệ mức độ cụ thể

Từ tháng 3/2016 đến nay, mức độ tăng hoặc giảm nợ xấu, mức độ đã xử lý chưa được phản ánh mới và cụ thể, trong khi đây là quãng thời gian các tổ chức tín dụng không phải cấp tập bán lại nợ xấu cho VAMC như trong năm 2015.
Từ tháng 3/2016 đến nay, mức độ tăng hoặc giảm nợ xấu, mức độ đã xử lý chưa được phản ánh mới và cụ thể, trong khi đây là quãng thời gian các tổ chức tín dụng không phải cấp tập bán lại nợ xấu cho VAMC như trong năm 2015.

Ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016 trước Quốc hội.


Điểm được một số đại biểu Quốc hội ghi nhận là, lần đầu tiên Chính phủ thẳng thắn về nợ xấu.


Cụ thể, báo cáo trên của Chính phủ nêu rõ: “Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro”.


Theo đó, Chính phủ định hướng, thời gian tới tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém; thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.


Cùng với nợ công và nợ Chính phủ, nợ xấu ngân hàng là vấn đề quan trọng đặt ra. Tuy nhiên, nếu nợ công và nợ Chính phủ được nêu và xác định rất cụ thể trong báo cáo, thì nợ xấu lại thiếu vắng con số, tỷ lệ cụ thể để đánh giá mức độ và áp lực đặt ra hiện nay.


Báo cáo của Chính phủ chỉ nêu chi tiết về phần nợ xấu nằm ở VAMC, để dẫn chứng đánh giá xử lý nợ xấu còn chưa thực chất.


Và đã bốn tháng qua, thị trường cũng thiếu vắng con số cập nhật về mức độ nợ xấu trong nền kinh tế, cùng tiến độ xử lý liên quan, qua đó để định hình khó khăn và mức độ xử lý thực chất như thế nào.


Cụ thể, theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu cập nhật gần nhất là đến cuối tháng 3/2016, với 2,62%. Từ đó đến nay, mức độ tăng hoặc giảm, mức độ đã xử lý chưa được phản ánh mới và cụ thể, trong khi đây là quãng thời gian các tổ chức tín dụng không phải cấp tập bán lại nợ xấu cho VAMC như trong năm 2015.


Từ quan điểm thừa nhận còn chưa thực chất trong xử lý nói trên, việc công bố, cập nhật tình hình nợ xấu cũng là một cách nhìn thẳng vào nó.