17:23 25/12/2010

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình về lãi suất

Nguyên Hà

Nhiều câu hỏi "nóng" được đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước biến động của lãi suất trong thời gian qua

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, điều hành tiền tệ nếu sai lệch một chút về chính sách có thể gây biến động, thậm chí khủng hoảng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, điều hành tiền tệ nếu sai lệch một chút về chính sách có thể gây biến động, thậm chí khủng hoảng.
Cơ sở nào để quy định mức lãi suất 14%/năm, lãi suất chi phối CPI hay ngược lại, giải pháp nào để lãi suất cho vay cân bằng lợi ích các bên…?

Hàng loạt những câu hỏi “nóng” đã được đặt ra khá quyết liệt tại phiên giải trình về lãi suất do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay (25/12).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã tác động không tốt làm cho CPI tăng cao đột biến trong những tháng cuối năm, vượt xa tất cả các dự báo. Trên thực tế đã có những đánh giá, phân tích trái chiều. Phiên giải trình được tổ chức nhằm có thông tin chính thống, đầy đủ, tạo sự thống nhất trong đánh giá, từ đó có kiến nghị với các cơ quan hữu quan, Chủ nhiệm Hiền nhấn mạnh.

Làm sao hài hòa lợi ích?

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng ở Việt Nam lãi suất không thể thoát ly chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Lãi suất không dương thì vô phương huy động. Vậy dương cỡ nào, lãi suất chi phối CPI hay CPI chi phối lãi suất? Ông Lịch đề nghị Thống đốc làm rõ những điều này.

Còn câu hỏi của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên là lạm phát gắn với niềm tin và yếu tố tâm lý, và yếu tố này có được Ngân hàng Nhà nước tính đến?

Cấu trúc hệ thống ngân hàng rất yếu, to nhỏ “choảng nhau”, xử lý cấu trúc thế nào, hay chấp nhận rủi ro đạo đức, ông Thiên nói tiếp.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đồng thời cũng là doanh nhân lại băn khoăn về chế tài để xử lý việc vi phạm trong huy động lãi suất và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có quan điểm rõ ràng về vấn đề này.

Việc tăng lãi suất huy động lên 14% của các ngân hàng hiện nay cũng đồng nghĩa lãi suất cho vay của các ngân hàng với các doanh nghiệp sẽ tăng cao. “Nếu vay với mức lãi suất 18% thì doanh nghiệp lớn còn không chịu nổi chưa nói doanh nhỏ. Khi doanh nghiệp không chịu nổi sức ép về chi phí vốn vay sẽ tác động tới giá cả trên thị trường”, bà Hường nhấn mạnh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung thì đề nghị làm rõ mức chênh lệch cụ thể giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Vị này hơn một lần nhấn mạnh “các doanh nghiệp chịu lãi suất cho vay cao như thế này rất thiệt hại đến nền kinh tế”.

Với nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm thì chính sách lãi suất phải đảm bảo hài hòa lợi ích ngân hàng - người dân - doanh nghiệp. “Không thể vì anh này sống mà triệt tiêu động lực của anh khác”.

Vẫn liên quan đến mức lãi suất hiện hành, một số ý kiến đề nghị Thống đốc làm rõ cơ sở quy định mức trần lãi suất 14%/năm cũng như tác động của mức lãi suất trên ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng đề nghị thông tin về việc xử lý các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất huy động trong thời gian vừa qua, đặc biệt là mức lãi suất huy động lên tới 17% của Techcombank.

Chênh khoảng 2,5% thì "có thể chịu được"

Khẳng định điều hành của ngân hàng Nhà nước là phù hợp “không có vấn đề gì”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu “than phiền” nhiều ý kiến cho rằng Thống đốc điều hành “giật cục”, nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Theo lý giải của Thống đốc, trong điều kiện lạm phát cao thì phải giảm bớt lãi suất thực dương đi. Điều hành tiền tệ nếu sai lệch một chút về chính sách có thể gây biến động, thậm chí khủng hoảng, Thống đốc Giàu giãi bày.

Cũng theo ông, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay là 2,5%, những năm trước chênh lệch từ 3,42% (2005) đến 4,63 (2006), gần đây nhất, năm 2008, chênh lệch 4,62%.

“Nếu lãi suất huy động và cho vay chênh lệch từ 2,2 - 2,5% thì các ngân hàng thương mại còn chịu đựng được, còn thấp hơn nữa thì rất dễ thương tổn”, ông Giàu nhấn mạnh.

 Về cơ sở hình thành trần lãi suất, Thống đốc cho biết dựa trên các yếu tố như quan hệ cung cầu, thị trường, rủi ro… Và, “trong chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cũng nói rõ khi CPI giảm thì lãi suất phải giảm theo thị trường”.

Liên quan đến một số ý kiến “phê” việc ứng phó và xử lý trước việc tăng lãi suất đột biến của Techcombank vừa qua, Thống đốc cho rằng, quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc ngân hàng này là không nhẹ.

Vì đối với các nước, chủ tịch và tổng giám đốc một ngân hàng bị cảnh cáo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu và uy tín. Đây là quyết định cực kỳ khó khăn và là “hình phạt lớn”, Thống đốc Giàu nói.

Kết thúc phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, điều hành về chính sách tiền tệ trong điều kiện bình thường đã là vấn đề khó nhất, trong điều kiện không bình thường càng khó khăn hơn nhiều. Trong hoàn cảnh đó, bản thân Thống đốc đã có rất nhiều cố gắng, Phó chủ tịch ghi nhận.