Thống đốc: Sẽ điều chỉnh nốt phần còn lại của mức tăng trưởng tín dụng 14%
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp cứng rắn về hạn mức tăng trưởng tín dụng và lý do cho hành động này đến từ việc ổn định kinh tế vĩ mô...
Chia sẻ tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 11/8, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại.
Đồng thời, cơ quan này cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
Thống đốc khẳng định rằng việc xác định tăng trưởng tín dụng phải đạt được mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Hoạt động cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Riêng với thị trường bất động sản, nguồn vốn đến từ rất nhiều kênh, trong đó bao gồm cả vốn tín dụng và FDI. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước chia sẻ rằng muốn tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, với bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng lên, lãi suất quốc tế tăng lên trong khi Chính phủ yêu cầu phải ổn định lãi suất thì dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra.
“Như vậy đặt áp lực cho Ngân hàng Nhà nước về điều hành tỷ giá. Câu chuyện đó là bài toán tổng thể, chính sách tiền tệ là một trong những chính sách về kinh tế vĩ mô đó”, Thống đốc nói.
Cũng theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Điều này thể hiện qua các giải pháp chính sách trong suốt giai đoạn 2020-2021 và thể hiện bằng những con số rất cụ thể. Điển hình, toàn ngành đã có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp và người dân. Nguồn này chính là nguồn lực tài chính của hệ thống ngân hàng. Tính toán của các đơn vị chức năng cho đến nay là tổng cộng khoảng 50.000 tỷ đồng.
Trong lúc doanh nghiệp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ. Bằng cách này có thể giúp doanh nghiệp vay vốn của hệ thống ngân hàng khi gặp khó khăn và chưa trả nợ được.
Bà Hồng cho biết thêm, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Ví dụ, đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.
Hay như trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trái lại, các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Trên thực tế, có thời điểm trước khi giảm giá đồng Việt Nam 9,2%, nhiều doanh nghiệp phải phân bổ điều chỉnh tỷ giá trong nhiều năm.
"Từ góc độ như vậy, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng", Thống đốc nói.
Ngoài ra, Việt Nam đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
“Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình khó khăn chung nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành cơ bản ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và kinh tế vĩ mô”, Thống đốc khẳng định.