Thông xe cầu vượt chữ C đầu tiên tại Hà Nội sau nhiều lần lùi tiến độ
Ngày 30/6, Hà Nội chính thức thông xe cầu vượt chữ C nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch sau 18 tháng thi công, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông Thủ đô...
Phát biểu tại lễ thông xe, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh sau 18 tháng thi công, vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, bão giá vật liệu, công trình trọng điểm của Hà Nội chính thức được thông xe.
XOÁ NÚT ĐEN ÙN TẮC
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, cầu vượt chữ C sẽ giúp giảm tải, nâng cao năng lực thông hành cho các phương tiện trong khu vực lân cận, là giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung của thành phố.
Báo cáo về quá trình triển khai dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội thông tin, cầu vượt bằng kết cấu thép lắp ghép, cầu vượt trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch tổ chức giao thông 2 chiều cho 2 làn xe hỗn hợp (ô tô và xe máy). Cầu có kết cấu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao 1,2m, rộng 9m.
Trong phạm vi đường Chùa Bộc, nhà thầu đồng thời thực hiện xén khoảng 400m vỉa hè để mở rộng mặt đường, mở rộng nút giao và thảm tăng cường trên mặt đường cũ, xây dựng kết cấu áo đường mới cho phần mở rộng.
Tổng mức đầu tư xây dựng cầu khoảng 147 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 cùng khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm khiến dự án bị chậm tiến độ.
Tổng mức đầu tư xây dựng cầu khoảng 147 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội. Dự án do Liên danh Công ty cổ phần tập đoàn Thành Long, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ kỹ thuật Việt Hưng thi công.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 cùng khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm khiến dự án bị chậm tiến độ.
"Quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do mặt bằng thi công chật hẹp, tổ chức giao thông phức tạp, phải thực hiện di chuyển nhiều hệ thống công trình ngầm nổi như hệ thống điện, thông tin, cấp nước", Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội chia sẻ.
Do đó, nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại trong khi nút giao này thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng giao thông qua lại rất lớn.
Ngay sau lễ thông xe, lực lượng chức năng tổ chức lại giao thông tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hai chiều trên cầu vượt theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và ngược lại.
Xe thô sơ và người đi bộ; xe ôtô tải, xe khách, xe buýt; các loại xe máy kéo, xe máy thi công chuyên dùng, các loại phương tiện có chiều cao quá 3,5m không được qua cầu vượt.
Khu vực nút giao Lương Định Của - Phạm Ngọc Thạch, cấm các phương tiện quay đầu trên đường Phạm Ngọc Thạch (theo hướng từ cầu vượt đến nút giao Lương Định Của); Cấm các phương tiện ôtô trên đường Phạm Ngọc Thạch (hướng từ Đào Duy Anh đi Chùa Bộc) rẽ trái vào phố Lương Định Của.
HÀ NỘI NỖ LỰC KHẮC PHỤC QUÁ TẢI HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông trên địa bàn thành phố, nhiều dự án trọng điểm đang được cấp tập triển khai.
Cụ thể, dự án tuyển đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 76,5%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%; đoạn đi ngầm đạt 33%.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào 2/9/2023.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km, trong đó điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo ra không gian phát triển mới cho cả Vùng Thủ đô. Do đó, ngay từ sớm, Hà Nội chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, sau 1 năm 9 ngày, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công cuối tuần qua, đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84%, cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.