15:41 23/09/2024

Thu hút và giữ chân nhân tài: Doanh nghiệp coi đào tạo là lợi thế cạnh tranh

Nhật Dương

Khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp ngày càng chú trọng trong việc đào tạo để tạo ra đội ngũ nhân sự có chất lượng của chính mình…

Chú trọng đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động. Ảnh minh họa.
Chú trọng đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh thị trường tuyển dụng cạnh tranh, một trong những mối quan tâm lớn của doanh nghiệp là làm thế nào để thu hút và giữ chân nhân tài. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác đào tạo, coi đây là một lợi thế. 

ĐÀO TẠO ĐỂ TẠO RA GIÁ TRỊ LÂU DÀI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chia sẻ thực trạng và khó khăn đã từng gặp phải trong việc tuyển dụng nhân sự và kinh nghiệm thực chiến để giữ chân người lao động, bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Pizza 4PS cho biết đặc thù tại đơn vị thuộc ngành dịch vụ, nên khi tuyển dụng chủ yếu là lao động trẻ, chưa qua đào tạo. 

Theo bà Ngân, vì lao động trẻ nên để tuyển dụng, công ty phải tiếp cận nhiều kênh, từ truyền thống như báo giấy đến các trang tuyển dụng trực tuyến, thông qua mạng xã hội như Facebook, TikTok, thậm chí từ nguồn giới thiệu của chính nhân viên trong công ty.

Yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao, trong khi cung không đủ cầu, bình quân mỗi năm công ty cần tuyển thành công trên 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian. Như vậy, mỗi tháng cần tuyển 300 nhân sự, để có được số lao động đó thì lượng hồ sơ nhận được rất lớn.

“Khi tuyển dụng, công ty sẽ đào tạo ngay từ đầu, nhiều vị trí phải bỏ rất nhiều công sức đào tạo song tỷ lệ nhảy việc rất cao, đây là một khó khăn. Do vậy, ngoài tiền lương, điều doanh nghiệp hướng tới là tạo ra nhiều giá trị dài lâu hơn cho người lao động”, Giám đốc Nhân sự Pizza 4PS cho hay.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều quan tâm tổ chức đào tạo, huấn luyện người lao động khi vào làm việc để đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị cũng là đánh giá của ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Công nghiệp TP. HCM.

Ông Hiếu thông tin, các doanh nghiệp trong Khu chế xuất – Công nghiệp TP. HCM hoạt động đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ.

Hiện có hơn 250.000 người lao động đang làm việc. Tỷ lệ lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc 4 ngành trọng yếu có xu hướng tăng (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm). Trên 87% người lao động làm việc đã qua đào tạo.

Theo ông Hiếu, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để bố trí, sử dụng vào các vị trí chức danh công việc quản lý như tổ trưởng, chuyền trưởng, quản đốc, trưởng phòng ban, giám đốc... được chủ doanh nghiệp đưa sang công ty mẹ ở nước ngoài để đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ, từng bước thay thế chuyên gia nước ngoài.

Cùng với đó, các đơn vị cũng tổ chức đào tạo cho người lao động trước khi vào làm việc, trang bị kiến thức về pháp luật lao động và văn hoá ứng xử trong lao động. Qua đó, góp phần giúp người lao động nắm vững pháp luật lao động, có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và hành xử theo các quy định của luật pháp Việt Nam.

GẮN ĐÀO TẠO VỚI NHU CẦU SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

Hiện Ban Quản lý các Khu chế xuất – Công nghiệp thành phố đang phối hợp cùng doanh nghiệp đào tạo nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin; trí tuệ nhân tạo (AI); internet vạn vật (IoT); dữ liệu lớn (Big Data); giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; quản trị mạng; an ninh mạng; điện toán đám mây; thiết kế đồ họa; công nghệ web; lĩnh vực cơ khí – ô tô; tự động hóa; điện tử công nghiệp; logistics…

Phỏng vấn, tuyển dụng lao động. Ảnh: Thanh Bình.
Phỏng vấn, tuyển dụng lao động. Ảnh: Thanh Bình.

Cùng với công tác đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động trong các khu công nghiệp – chế xuất, đơn vị cũng đồng thời triển khai đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ở các nội dung: Chương trình, giáo trình đào tạo, thời gian thực hành tại doanh nghiệp, vật tư tiêu hao, với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% thời lượng thực hành chuyên sâu tại các doanh nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục vận hành mô hình này trong việc đào tạo tại đơn vị.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nói cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, đây chính là một lợi thế. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận thực tế tỷ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao, nhưng số qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ vẫn còn thấp.

Theo ông, nguyên nhân một phần do doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng, song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó. Bên cạnh đó, một số nghề đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng…

Theo ông Thắng, hiện cả nước có hơn 1.800 cơ sở đào tạo nghề, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở này để đào tạo được lực lượng lao động có tay nghề.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện đơn vị cũng đang tham mưu cho Bộ trình Chính phủ trong xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) với nhiều chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có chính sách khuyến khích và tôn vinh để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào công tác đào tạo.

Vấn đề đào tạo cũng là nội dung được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh trong cuộc làm việc với Cục Việc làm mới đây.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, gắn chặt giữa lao động việc làm với đào tạo. Đặc biệt, đào tạo phải gắn với cung cầu, với thị trường, gắn với sử dụng lao động. Đây chính là khâu đột phá của đào tạo, mục đích để giảm nhanh thị trường lao động phi chính thức, tạo việc làm thỏa đáng và bền vững.