16:24 29/08/2022

Thu ngân sách đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, lộ diện hai khoản thu "cán đích'' ngoạn mục

Ánh Tuyết

Sau 8 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng và tăng mạnh mẽ 19,4% so với cùng kỳ. Sau khoản thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chuẩn bị "cán đích" chỉ sau 8 tháng...

Thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu "cán đích" khá sớm.
Thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu "cán đích" khá sớm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê mới được công bố ngày 29/8, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2022 đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nội địa tháng 8 ước đạt 78.400 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 954.600 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô đã "cán đích" chỉ sau 5 tháng đầu năm. Còn trong tháng 8, khoản thu từ dầu thô ước đạt 6.200 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 51.100 tỷ đồng, vượt 81,2% dự toán năm và tăng mạnh mẽ 98,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 ước đạt 16.600 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 197.600 tỷ đồng, bằng 99,3% dự toán năm, chuẩn bị "cán đích" và tăng ấn tượng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, hai khoản thu cán đích sớm là thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Về phía chi ngân sách, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 123,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022 ước đạt 956,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Trong đó, chi thường xuyên 8 tháng năm 2022 đạt 677,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước;  chi trả nợ lãi 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% và giảm 9,4%.

 

Đáng quan ngại, chi đầu tư phát triển sau 8 tháng mới đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán. Trong đó, vốn nước ngoài mới chi 4.879,65 tỷ đồng, đạt hơn 14% kế hoạch, giải ngân vốn ODA đang được đánh giá là chậm nhất so với các nguồn vốn. 

Đáng quan ngại, chi đầu tư phát triển sau 8 tháng mới đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải tăng tốc quyết liệt trong thời gian tới.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính chỉ rõ hiện vẫn còn tới 27 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như: Hội Nhà văn (5,42%); Văn phòng Trung ương Đảng (8,96%); Bộ Ngoại giao (11,87%); Bộ Giáo dục & Đào tạo (13%), tỉnh Cao Bằng (17,4%); tỉnh Hà Giang (19,12%)…

Về tình hình thực hiện chế độ báo cáo, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 8 của 18/51 bộ, cơ quan trung ương và 54/63 địa phương. Còn lại 33/51 bộ, cơ quan trung ương và 09/63 địa phương Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo.

Cũng theo Bộ Tài chính, để giúp doanh nghiệp góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển, các chính sách tài khoá được triển khai linh hoạt, chủ động. Ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí các doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 là 231 nghìn tỷ đồng.

 

Như vậy, 8 tháng của năm 2022, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Ngân sách nhà nước thặng dư 251,7 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.