20:23 25/05/2021

Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi ngay quy định về chi tiêu ngân sách trong xây dựng pháp luật

Tiến Dũng

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong thời gian sắp tới là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người cho hoạt động tư pháp...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp ngày 25/5 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp ngày 25/5 - Ảnh: VGP

Ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CHƯA ĐƯỢC ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong bối cảnh nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao, nguồn lực còn nhiều hạn chế, ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, bám sát phương châm hành động, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả cụ thể, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng.

Tuy nhiên, Bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, cho rằng hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Trong khi đó, sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP.

“Hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Bộ đề nghị đẩy mạnh triển khai “tư pháp điện tử”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; tăng cường cử cán bộ nghiên cứu, học tập về luật pháp quốc tế tại các cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới, các tổ chức quốc tế; một số kiến nghị liên quan đến đào tạo nhân lực ngành tư pháp…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Tư pháp, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Bộ đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, trong hoạt động có những chuyển biến quan trọng, góp phần rà soát, khắc phục các quy định chồng chéo, khắc phục cơ bản tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh…

“Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Xây dựng và hoàn thiện thể chế đòi hỏi các bộ, cơ quan cùng vào cuộc, nhưng Bộ Tư pháp phải đóng vai trò “tham mưu trưởng” cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, cơ quan trong công tác này, nhất là Bộ phải quyết liệt hơn nữa trong khâu thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

QUY ĐỊNH VỀ CHI TIÊU, BỐ TRÍ NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC TƯ PHÁP CÒN BẤT CẬP

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá Bộ và ngành tư pháp thời gian qua đã đạt được những thành tích, thành tựu lớn, có tính chất quyết định, cơ bản.

Về những tồn tại, hạn chế của ngành tư pháp, Thủ tướng chỉ ra những nguyên nhân như quy trình xây dựng, phê duyệt, thông qua các quy định pháp luật còn nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, cầu toàn, trong khi thực tiễn cuộc sống diễn biến rất nhanh, khó dự đoán, khó lường. 

 

Một bài học kinh nghiệm khác là phải coi trọng nguồn lực con người, đầu tư cho con người; dành sự đầu tư, quan tâm thích đáng từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất… cho công tác tư pháp

THỦ TƯỚNG
PHẠM MINH CHÍNH

“Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm nhiệm vụ cho công tác tư pháp, các quy định về chi tiêu, bố trí nguồn lực cho công tác này còn bất cập. Sự phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chưa tốt, Bộ Tư pháp cũng chưa thực sự chủ động trong công tác này. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật chưa rõ ràng, chặt chẽ, chưa cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; công tác thi đua, khen thưởng kỷ luật chưa được coi trọng”, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong thời gian sắp tới là phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người cho hoạt động tư pháp.

Thủ tướng nêu rõ một số bài học kinh nghiệm, trước hết là phải bám rất sát chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

“Một bài học kinh nghiệm khác là phải coi trọng nguồn lực con người, đầu tư cho con người; dành sự đầu tư, quan tâm thích đáng từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất… cho công tác tư pháp. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, bám sát thực tiễn để tiếp tục đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ”, Thủ tướng chỉ ra.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý trong xây dựng chính sách, ngoài việc mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cần phải mời cả các nhà hoạt động thực tiễn. 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi ngay các quy định về chi tiêu ngân sách trong xây dựng pháp luật và nghiên cứu khoa học.

“Bộ Tư pháp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nhiệm vụ đầu tư liên quan đến xây dựng môi trường pháp lý, như vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc về pháp luật, cơ chế, chính sách, sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết”, Thủ tướng chỉ đạo.